Người Việt Odessa
Tin trong nước

Thủ tướng: Muốn kinh tế phát triển thì an ninh phải tốt

Thứ năm, 19/09/2019 | 07:21
Chiều (18/9), tại Trụ sở Chính phủ, tiếp các Trưởng đoàn dự Hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các nước ASEAN lần thứ 39 (ASEANAPOL 39) tại Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, kinh tế và an ninh đi liền với nhau. Không có kinh tế phát triển tốt thì an ninh cũng khó khăn và ngược lại, muốn kinh tế phát triển thì an ninh phải tốt.

Theo Thủ tướng, việc tổ chức Hội nghị ASEANAPOL 39 là niềm vinh dự và tự hào to lớn đối với lực lượng Cảnh sát, với Bộ Công an Việt Nam. “Theo báo cáo của Bộ Công an, tôi thấy việc tổ chức Hội nghị đang diễn ra an toàn tốt đẹp và để lại ấn tượng tốt trong lòng các đại biểu, bạn bè quốc tế tham dự Hội nghị”, Thủ tướng nói. “Chúng tôi rất tự hào ở Việt Nam, an ninh an toàn tốt, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế”.

Thủ tướng cho rằng, trong những năm gần đây, tình hình thế giới và khu vực thay đổi rất nhanh chóng. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ yếu, nhưng các vấn đề xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, chiến tranh cục bộ, can thiệp, lật đổ, khủng bố ngày càng nghiêm trọng. Các vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mạng, tội phạm buôn bán người tiếp tục gia tăng.

Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy quá trình phát triển mạnh mẽ xã hội thông tin, kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các quốc gia, trong đó có các nước Đông Nam Á. Những vấn đề này tác động trực tiếp đến công tác đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội của mỗi nước, làm cho tình hình tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm có tính quốc tế diễn biến rất phức tạp. “Điều này đòi hỏi chúng ta cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng thực thi pháp luật trong đó có lực lượng Cảnh sát nhằm đảm bảo an ninh khu vực và giữ bình yên cuộc sống cho người dân”, Thủ tướng nêu rõ.

Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc Bộ Công an Việt Nam nói chung và lực lượng Cảnh sát Việt Nam nói riêng đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia với lực lượng Cảnh sát các nước trên thế giới, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát các nước ASEAN, các đối tác đối thoại, các tổ chức thực thi pháp luật quốc tế có liên quan.

Thủ tướng cho rằng, Hiệp hội Cảnh sát các nước Đông Nam Á (ASEANAPOL) đã có gần 40 năm hình thành và phát triển, đã và đang đóng vai trò tích cực trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia cũng như gìn giữ hòa bình trong khu vực. Hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin, hợp tác điều tra chung trong các vụ án chuyên án lớn có tính chất xuyên quốc gia, phối hợp truy bắt tội phạm bỏ trốn giữa các nước thành viên ASEANAPOL ngày càng có hiệu quả cao hơn.

Để ASEANAPOL ngày càng thể hiện được vai trò của mình trong gìn giữ an ninh khu vực cũng như trên thế giới, Thủ tướng cho rằng, cần tăng cường hơn nữa hợp tác với Liên Hợp Quốc, INTERPOL và các tổ chức khác có liên quan đến hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. ASEANAPOL cần chủ động đề xuất phương án kết nối các tổ chức cảnh sát khác nhau như INTERPOL, EUROPOL, AFRIPOL... để có thể tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Trong nội bộ tổ chức ASEANAPOL, các nước thành viên cần tăng cường hơn nữa hợp tác trong điều tra, khám phá các vụ án có tính chất xuyên quốc gia, tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm với tinh thần trách nhiệm cao, sự tin tưởng lẫn nhau, sự đoàn kết vì một ASEAN thống nhất và thịnh vượng.

Đối với Hội nghị ASEANAPOL lần thứ 39, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các đại biểu đưa ra những giải pháp khả thi để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa lực lượng Cảnh sát các nước ASEAN trong thời gian tới.

 

Thủ tướng: Muốn kinh tế phát triển thì an ninh phải tốt
Thủ tướng tiếp các Trưởng đoàn dự Hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các nước ASEAN lần thứ 39 tại Việt Nam - 
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng: Muốn kinh tế phát triển thì an ninh phải tốt
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại cuộc tiếp, Đại tướng Muhammad Tito Karnavian, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Indonesia bày tỏ, lần này quay lại Việt Nam sau chuyến thăm đầu tiên vào năm 1998, ông thấy rất bất ngờ về sự thay đổi của Việt Nam. Ông cho rằng, kinh tế Việt Nam phát triển rất nhanh trong thời gian qua. GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 tăng trưởng cao nhất trong các nước ASEAN.

Đại tướng Muhammad Tito Karnavian cho rằng Việt Nam đang phát huy lợi thế trong tình hình hiện nay để gia tăng xuất khẩu, đồng thời thu hút mạnh đầu tư FDI. Sự thành công này là nhờ sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn của Chính phủ, của Thủ tướng Việt Nam.

Sự thịnh vượng và an ninh là các yếu tố song hành, ảnh hưởng lẫn nhau, Đại tướng Muhammad Tito Karnavian nói. Việt Nam càng thịnh vượng thì sẽ càng ổn định để phát triển, từ đó đóng góp cho sự ổn định của ASEAN. “Bằng cách bảo đảm an ninh trong khu vực, các nước ASEAN có thể ổn định để phát triển kinh tế”, ông nói. “Qua cơ chế ASEANAPOL, hợp tác cảnh sát trong các nước ASEAN ngày càng được tăng cường, các đồng thuận dễ khả thi. Chúng tôi tin tưởng việc tổ chức Hội nghị ASEANAPOL tại Hà Nội năm 2019 sẽ là một dấu ấn trong hợp tác cảnh sát các nước ASEAN, các nước đối tác đối thoại và quan sát viên của ASEANAPOL”.

Đánh giá cao ý kiến của Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Indonesia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí cho rằng kinh tế và an ninh đi liền với nhau. Không có kinh tế phát triển tốt thì an ninh cũng khó khăn và ngược lại, muốn kinh tế phát triển thì an ninh phải tốt. Do đó lực lượng công an, cảnh sát có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. “Chính phủ Việt Nam cũng như lực lượng công an sẽ làm hết sức mình để bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.

baochinhphu.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN