Việc một số bệnh viện tại TP HCM tổ chức thu phí đối với người chăm, nuôi bệnh nhân (mức phí 30.000 đồng/người) đã gây phản ứng từ phía người dân. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế lại cho rằng, thu là cần thiết vì hiện nay nhiều bệnh viện đã được giao tự chủ.
Lý do bệnh viện đưa ra khi thu khoản phí này là do có quá nhiều người vào bệnh viện, sử dụng điện nước... nên phải thu tiền để cân đối.
Người bệnh nằm ghép giường, người thân vạ vật trong bệnh viện là hình ảnh không phải hiếm. (ảnh NLĐ)
Để hạn chế người vào bệnh viện, các bệnh viện có nhiều cách, ví dụ như nâng cao chất lượng phục vụ để người nhà bệnh nhân yên tâm không phải đi theo phục vụ; tăng cường an ninh bệnh viện bằng cách cấp thẻ, hạn chế số lượng người đi theo mỗi bệnh nhân khi vào bệnh viện… chứ không nhất thiết cứ "đánh” vào túi tiền là giải quyết được tất cả.
Có lẽ, hầu hết các gia đình đều đã từng có người phải đi viện, nằm viện và đến bệnh viện khám chữa bệnh. Đến bệnh viện để được cứu chữa, được gặp “thầy thuốc như mẹ hiền” nhưng lại là nỗi kinh hoàng của quá nhiều người.
Đầu tiên phải kể đến là tình trạng nhà vệ sinh bẩn thỉu, là nỗi kinh sợ của quá nhiều người. Kế đến là tinh thần, thái độ của y bác sĩ khiến người bệnh nhiều khi "mất tinh thần”, rồi đến chất lượng dịch vụ quá yếu kém, an ninh bệnh viện lỏng lẻo...
Tình trạng quá tải bệnh viện khiến bệnh nhân phải nằm ghép từ 2, đến 3-4 người/giường. Nhưng điều đáng nói là khi thanh toán thì bệnh nhân vẫn phải chịu đầy đủ theo công thức 1 người/giường/ngày nhân đơn giá thu phí.
Theo BHXH Việt Nam, hầu hết các bệnh viện đều có cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị cũ, thiếu ánh sáng, diện tích khoa, phòng điều trị chật hẹp do kê thêm nhiều giường; một số bệnh viện còn tận dụng cả hành lang, gầm cầu thang… để kê giường điều trị, một số phòng chỉ đạt khoảng không gian 2 m2/giường bệnh, trong khi quy chuẩn thiết kế mỗi giường bệnh có không gian diện tích 5m2. Con số đáng quan tâm là tổng số chi tiền giường của năm 2017 đã gấp gần bốn lần so năm 2015 và gấp gần hai lần so năm 2016. Tính theo tỷ lệ, thì đến năm 2017 tiền giường đã chiếm tới 27,3%, thậm chí tại nhiều bệnh viện, tiền giường chiếm đến 70% tổng chi, cao gấp hai đến ba lần so với tiền thuốc.
Người bệnh đang phải chi trả giá tiền "đắt đỏ" cho những chiếc giường bệnh chật chội, không đạt chuẩn. Số tiền chênh lệch đó "chảy" đi đâu mà bệnh viện đến mức không thể cân đối được, phải thu thêm phí để bù đắp cho điện, nước sinh hoạt của thân nhân người bệnh?
Mỗi giường bệnh có thể thu tiền triệu, nhiều người ví đắt hơn khách sạn 5 sao. Tiền chênh lệch đó được sử dụng vào việc gì? Chưa kể, khi vào bệnh viện người dân phải nộp đủ thứ tiền, từ công khai đến “bí mật” mà chẳng biết kêu với ai.
Thu phí thân nhân người bệnh là cách làm phản cảm, thiếu nhân văn, trong khi bệnh viện không giải quyết được những yếu kém của mình. Người dân đang mong lắm một dịch vụ y tế mà ở đó nếu chẳng may phải nằm viện thì không cần phải kéo...cả đoàn người đi theo để trợ giúp như hiện tại. Một nền y tế tiên tiến, hiện đại, vì dân thì phải hướng đến nhiều hơn nữa các dịch vụ miễn phí, vì sự hài lòng của người bệnh... chứ không phải chỉ chăm chăm "móc túi" của dân./.
vov.vn