Người Việt Odessa
Tin trong nước

Thu hút và phát huy hơn nữa nguồn lực kiều bào

Chủ nhật, 03/02/2019 | 07:03
Trong những năm qua, nhờ chính sách cởi mở của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, công tác kiều bào đã đạt được những bước đột phá mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong không khí chào đón Xuân Kỷ Hợi 2019, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài về những thành tựu nổi bật trong công tác kiều bào năm vừa qua.

Xin ông đánh giá về những đóng góp của kiều bào cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2018?

Trước hết phải khẳng định, trong năm 2018, cộng đồng hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục ổn định và phát triển, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại cả về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

Chúng tôi vui mừng nhận thấy xu hướng bà con trở về quê hương đầu tư, kinh doanh, làm ăn tại Việt Nam ngày càng tăng trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong năm qua. Đây cũng là những yếu tố khuyến khích bà con trở về quê hương đóng góp nhiều hơn để xây dựng đất nước.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, thống kê qua các địa phương, bộ, ngành có khoảng 3 nghìn dự  án đầu tư kinh doanh của bà con kiều bào tại 45 tỉnh, thành phố với tổng số vốn đăng ký đạt gần 4 tỷ USD.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, trong năm 2018, con số kiều hối về Việt Nam ước đạt tới mức 15,9 tỷ USD; khoảng 60% trong số này được đưa vào sản xuất, đầu tư kinh doanh. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng.

 

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, chúc mừng năm mới tới kiều bào tại buổi “Họp mặt kiều bào mừng Xuân Kỷ Hợi 2019”, chiều 24/1. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức


Điều đặc biệt nữa là trong năm 2018 có thể thấy một xu hướng mới là tầng lớp trí thức, khoa học công nghệ kiều bào và đặc biệt là giới trẻ về nước nhiều hơn, tham gia tích cực các hội nghị do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cũng như các bộ, ngành khác tổ chức.

Điển hình là: Diễn đàn “Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước” do Bộ Ngoại giao phối hợp UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 6/2018, thu hút đông đảo sự tham dự của các nhà khởi nghiệp trẻ Việt Nam ở trong và ngoài nước. Tại Diễn đàn này, các bạn đã trao đổi với tinh thần hết sức thẳng thắn, cởi mở, mang tính xây dựng, đưa ra nhiều đề xuất, ý tưởng, những thông tin rất bổ ích cho các nhà hoạch định chính sách để từ đó Việt Nam có thể xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp hiện đại, theo kịp với chuẩn quốc tế, tránh tình trạng chảy máu chất xám.

Một sự kiện đáng chú ý khác là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo khởi động Sáng kiến mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam với sự tham dự của trên 100 nhà khoa học người Việt trẻ trên toàn thế giới. Các nhà khoa học trẻ đã đề xuất rất nhiều ý tưởng, chia sẻ tầm nhìn cũng như chiến lược với Việt Nam để xây dựng thành công Chiến lược phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời gian tới.

Cũng trong tháng 11/2018 tại Đà Nẵng, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp các bộ, ngành địa phương tổ chức Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ Nhất. 70 bạn trẻ từ các nước đã về tham dự, đưa ra khoảng 250 ý tưởng, đề xuất để các cơ quan trong nước nghiên cứu. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương có những đơn đặt hàng với các vấn đề cụ thể như việc nghiên cứu, ứng phó với bến đổi khí hậu và các lĩnh vực khác.

Có thể nói, trong năm vừa qua, đóng góp về mặt khoa học công nghệ, tri thức của kiều bào ta ở nước ngoài và đặc biệt là của giới trẻ rất tích cực, mang lại hiệu quả rất thiết thực với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đặc biệt, trong những ngày cuối năm 2018, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức Hội nghị kết nối kiều bào với địa phương với sự tham dự của trên 200 kiều bào đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là lần đầu tiên một hội nghị như vậy được tổ chức tại Việt Nam, khu vực Bắc Trung Bộ. Tại đây, kiều bào đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho địa phương về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển tiềm năng kinh tế cũng như du lịch của địa phương.

Ngay sau Hội nghị, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã ký kết các bản ghi nhớ với Hiệp hội doanh nhân ở các địa phương. Một kiều bào ở Đức đã ký và được cấp phép xây dựng một nhà máy trong khu công nghiệp Gia Lách của Hà Tĩnh trị giá khoảng 10 triệu USD.

Với ý thức tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, kiều bào cũng có nhiều hoạt động duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa Việt trong đó có vấn đề dạy và học tiếng Việt. Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của kiều bào ở ngoài nước, không những đóng góp về mặt kinh tế mà còn giúp đất nước gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống hết sức tốt đẹp. Đây có thể coi là sức mạnh "mềm" của một quốc gia.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Việt Nam cần có chính sách gì để thu hút tiềm năng chất xám của kiều bào?

Để thu hút và phát huy hơn nữa nguồn lực tri thức và khoa học công nghệ của kiều bào, chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Trước hết, về mặt chính sách, phải tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến việc trọng dụng các nhà khoa học, chuyên gia ở nước ngoài về nước làm việc. Hiện nay, chúng tôi đang làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành khác, tiến hành rà soát, trình Chính phủ xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung về những chính sách liên quan tới các nhà chuyên gia, khoa học, kiều bào bên ngoài khi về nước làm việc.

Phải nói rằng, hiện nay chúng ta có một đội ngũ trí thức, chuyên gia rất tiềm năng. Theo ước tính, khoảng 500 nghìn người đang làm việc ở các cơ sở nghiên cứu, các trung tâm khoa học công nghệ ở nước ngoài. Hàng năm, khoảng 300 lượt các nhà trí thức, khoa học công nghệ thường xuyên về nước để cộng tác với các tổ chức, địa phương trong nước. Một điều quan trọng là chúng ta phải tạo được môi trường,hệ sinh thái thông thoáng, từ đó phát huy được khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, có điều kiện cống hiến nhiều hơn.

Tôi cho rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp bộ, ngành địa phương, các tổ chức kinh tế ở trong nước, chúng ta sẽ thu hút nhiều hơn sự đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia.

Trên thực tế, hiện nay ở các quốc gia đông kiều bào sinh sống đều đã hình thành các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ của người Việt. Điển hình như Hội Chuyên gia và khoa học Việt Nam toàn cầu với nòng cốt là nhóm trí thức khoa học tại Pháp. Hàng năm, nhóm này đều về nước và tổ chức nhiều diễn đàn về công nghệ.

Tới đây, Hội Chuyên gia và khoa học Việt Nam toàn cầu sẽ về Việt Nam tổ chức Diễn đàn phát triển Việt Nam bền vững năm 2019. Hay là Nhóm sáng kiến Việt Nam tại Hoa Kỳ (Nhóm Viet Challenge) với sự tham gia của các bạn sinh viên, thanh niên Việt Nam ở nước sở tại. Hàng năm, Nhóm đều tổ chức các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp cho các bạn trẻ Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Cùng với đó, hầu hết các nước có người Việt Nam sinh sống hiện nay đều thành lập các hội trí thức khoa học công nghệ hoặc câu lạc bộ khoa học công nghệ người Việt.

Tôi cho rằng, nếu có các chủ trương, chính sách đúng đắn cũng như môi trường làm việc tốt, kiều bào trẻ sẽ về cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho quê hương.

Phát triển hội đoàn trong cộng đồng kiều bào là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác kiều bào. Thời gian tới, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Ngoại giao sẽ có những giải pháp nào để phát triển nhiệm vụ này, giúp bà con kiều bào ngày càng gắn bó, đoàn kết với bà con ở trong nước?

Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều đã có các hội đoàn được thành lập trên cơ sở luật pháp nước sở tại, hoạt động trong khuôn khổ luật pháp nước đó. Các hội đoàn này hoạt động rất tích cực, hiệu quả, tập trung vào ba nội dung chính: Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết là gắn kết kiều bào với nhau; cùng nhau nỗ lực duy trì bản sắc văn hóa dân tộc trong đó có việc dạy và học tiếng Việt; hướng về quê hương, đóng góp cho quê hương thông qua việc tham dự các sự kiện trong nước, các hoạt động thiện nguyện. Tuy nhiên, cũng có những địa bàn luật pháp không cho phép thành lập. Chúng tôi cũng phối hợp với cộng đồng người Việt để tìm ra những phương thức hoạt động phù hợp. Những câu lạc bộ như vậy có tác dụng vừa một mặt nâng cao đời sống tinh thần của bà con kiều bào, mặt khác giúp ngày càng gắn kết kiều bào.

Trong chương trình công tác sắp tới, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiến hành rà soát, hỗ trợ  những khu vực chưa tiến hành đại hội hoặc bầu ban chấp hành mới. Những khu vực nào chưa có các hội đoàn, chúng tôi sẽ hỗ trợ để có được những hình thức phù hợp với luật pháp của nước sở tại, đồng thời phù hợp với tính chất thực tế của cộng đồng người Việt Nam ở đó. Tôi tin tưởng rằng, thời gian tới, các hoạt động của hội đoàn trong cộng đồng kiều bào sẽ phát triển ngày càng tích cực.

Trân trọng cảm ơn ông.   

Thu Phương/TTXVN (thực hiện)


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN