Người Việt Odessa
Tin trong nước

Thống nhất văn bằng đại học: Thay đổi chất lượng hay hình thức?

Chủ nhật, 03/12/2017 | 06:15
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nếu không ghi loại hình đào tạo chính quy hay tại chức trên văn bằng ĐH thì trước hết hãy thống nhất chất lượng đào tạo ĐH

Trước việc dự thảo Luật Giáo dục ĐH đề xuất thống nhất văn bằng đào tạo ĐH chính quy và thường xuyên, nhiều nhà giáo đặt vấn đề tại sao lâu nay vẫn có dư luận không tốt về chất lượng đào tạo các hệ ngoài chính quy?

Thiệt thòi cho sinh viên chính quy

Một giảng viên ĐHQG Hà Nội thẳng thắn nêu chất lượng của hệ vừa học vừa làm (tại chức) rất thấp. Nếu trước đây, hệ tại chức mở ra nhằm tạo điều kiện cho những cán bộ, viên chức đã đi làm có cơ hội bổ túc, nâng cao trình độ thì nhiều năm nay chủ trương đó đã bị biến tướng.

Một thực tế hiển nhiên nhiều năm nay là những thí sinh học kém, không thể thi được vào ĐH chính quy thì học tại chức. Chất lượng đầu vào đã thấp, chương trình đào tạo lại bị cắt xén, thu gọn, chỉ chiếm khoảng 60%-80% chương trình chính quy, không bảo đảm được nội dung chương trình. Mặt khác, quá trình quản lý đào tạo bị buông lỏng, có sự xuề xòa, nể nang cho qua. Rất nhiều sinh viên tại chức coi đi học là để chống chế, học cho có bằng chứ không chú trọng vào việc nâng cao kiến thức, trình độ. Trường hợp thi thuê, thi hộ, thuê người đi học hộ đã được báo chí nhắc đến nhiều và cũng đã được chấn chỉnh phần nào.

Thống nhất văn bằng đại học: Thay đổi chất lượng hay hình thức?

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Việc tuyển dụng cho bằng được, tuyển cho đủ chỉ tiêu bất chấp chất lượng đầu vào để bảo đảm có nguồn thu học phí cũng là vấn đề kéo theo những tiêu cực trong công tác đào tạo tại chức. Trong quản lý đào tạo đã có độ vênh, tạo ra bất cập lớn về chất lượng đào tạo. "Rõ ràng là chất lượng đào tạo tại chức và chính quy khác xa nhau. Nếu không ghi hình thức đào tạo lên văn bằng sẽ là thiệt thòi cho sinh viên chính quy. Các em sẽ mất đi những cơ hội tuyển dụng dành cho mình, những sinh viên học thật, chất lượng thật" - giảng viên này nói.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), nhận xét việc đào tạo tại chức những năm qua rất tệ, đặc biệt là liên kết đào tạo tại chức. Đối tác liên kết không đủ tư cách pháp nhân liên kết đào tạo, địa điểm đặt lớp thường ở bên ngoài trường nên không tránh khỏi tiêu cực. Trong khi tuyển sinh thì vi phạm quy chế, tổ chức đào tạo cắt xén chương trình, dạy nhồi nhét và thi kiểm tra, đánh giá khá tùy tiện.

Chưa hết, cơ chế cấp văn bằng chưa hoàn thiện làm cho giá trị kiến thức kết tinh ở văn bằng không tương xứng. Chất lượng đầu vào thấp, tuyển sinh khác nhau giữa một bên quản lý rất chặt chẽ còn bên kia khá thoải mái, đào tạo buông lỏng lại có cùng một giá trị văn bằng là sự bất cập rất lớn.

Sẽ có chuẩn chung cho các hình thức đào tạo

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho rằng dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đưa ra 2 hình thức là tập trung và không tập trung (hình thức không tập trung sẽ bao gồm đào tạo bán thời gian và từ xa). Cũng theo bà Phụng, 2 hình thức đào tạo này chỉ khác nhau về phương thức đào tạo, còn từ chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, cách thức tổ chức, kiểm tra đánh giá và chuẩn đầu ra phải được xây dựng giống như hình thức tập trung. Tất cả đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn.

 

Tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng trên thực tế, việc kiểm soát chất lượng giữa 2 hệ hoàn toàn không như nhau. Theo chuyên gia giáo dục này, trong điều kiện chưa thể kiểm soát tốt việc kiểm tra, đánh giá thì nên ghi hình thức đào tạo lên văn bằng. Đó là một cách thông tin cho người sử dụng lao động để họ tuyển chọn được nhân lực phù hợp. 

Chỉ riêng Bộ GD-ĐT không thể thực hiện

PGS Mạc Văn Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề, cho rằng quan điểm của Bộ GD-ĐT không sai, thậm chí đó còn là tư duy tiên tiến, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, nếu phân tích thì sẽ thấy đề xuất của Bộ GD-ĐT hay nhưng một mình bộ này sẽ không thể thực hiện được. Vướng mắc trước hết nằm ở chính nội tại ngành giáo dục. Bản thân ngành giáo dục đưa ra đề xuất đổi mới nhưng lại bị mâu thuẫn với chính những vấn đề bức xúc đang tồn tại chưa được giải quyết trong lĩnh vực này. Đầu tiên phải nói tới công tác tuyển sinh đầu vào, quá trình đào tạo, chất lượng đào tạo và cuối cùng là kết quả đào tạo của cả 2 loại hình trên.

Đề xuất của Bộ GD-ĐT nếu muốn khả thi và thực hiện được, trước hết bộ phải bảo đảm được rằng 2 loại hình này chỉ khác nhau về phương thức đào tạo, còn chuẩn về chương trình, giáo viên, chuẩn chất lượng quản lý đào tạo là như nhau. Khi đó chuẩn đầu ra, văn bằng tốt nghiệp mới xem là như nhau được.

Ý KIẾN

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp:

Cần giám sát chất lượng hệ tại chức

Chất lượng đào tạo tại chức và chính quy hiện không thể tương đương. Lý do là đối tượng tuyển sinh có "phẩm chất" khác nhau, nhu cầu và động cơ học tập rất khác nhau, việc tổ chức đào tạo (phương pháp dạy và học, bố trí môn học, thi kiểm tra đánh giá, đề tài luận án tốt nghiệp, điều kiện thực hành thực tập, thời gian học và tự học, nội dung cắt xén...) cũng rất bất cập. Chúng ta cũng chưa có hệ thống kiểm định đủ mạnh, cộng thêm với việc quy định cứng về thời gian đào tạo theo Luật Giáo dục nên không có cách nào công nhận tương đương. Luật quy định khung thời gian đào tạo nhưng lại quên cách tổ chức thực hiện, điều kiện bảo đảm chất lượng. Do quy định cứng về thời gian đào tạo nên cứ đến ngày đến tháng phải cho "ra lò" những sản phẩm tại chức. Ở Mỹ, trên 60% sinh viên tốt nghiệp ĐH trong 6 năm và không ít trường hợp phải đến 8 năm mới tốt nghiệp, đủ chuẩn của một cử nhân.

Chỉ khi chúng ta chấn chỉnh, quản lý đào tạo theo mục tiêu chất lượng và hiệu quả thì mới có những văn bằng chuẩn như mong muốn của Bộ GD-ĐT. Theo tôi, cần phải tổ chức thi tuyển sinh tại chức theo hình thức trắc nghiệm với đề thi do Bộ GD-ĐT phát hành, có sự giám sát của cơ quan quản lý giáo dục địa phương và trung ương. Đối với hệ này, các môn thi hết học phần cũng phải như sinh viên chính quy để sự giám sát chặt chẽ.

PGS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông:

Rất hay nhưng rất xa vời

Theo tôi thì chưa nên chung một loại văn bằng cho các loại hình đào tạo. Chúng ta đều rất mong muốn các hệ đào tạo có chất lượng như nhau nhưng đó là mong muốn còn rất xa vời. Hệ đào tạo từ xa, tại chức rất khác chính quy. Khác từ đầu vào, khác về cách đào tạo và như vậy thì tất nhiên sẽ khác nhau cả về chất lượng đầu ra. Tôi vẫn nghĩ bằng từ xa mục đích để nâng cao dân trí thì được.

Chúng ta sẽ kiểm soát chất lượng bằng chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, cách thức tổ chức, kiểm tra đánh giá và chuẩn đầu ra phải được xây dựng giống như hình thức tập trung? Mọi thứ nghe thì rất hay nhưng đó là lý thuyết. Đã hình thức khác nhau thì dù có mong muốn thế nào chất lượng vẫn khác nhau. Tôi nghĩ trong tình hình hiện nay, sinh viên hệ từ xa học 10 năm chất lượng cũng không thể như chính quy được.

Tổ chức thực hiện là một vấn đề rất khó. Hệ từ xa học không quá 30% trên lớp, tại chức vừa học vừa làm thì lấy đâu ra thời gian. Dù có kéo dài thời gian học của hệ tại chức thì cũng không được vì đầu vào đã yếu rồi thì làm sao có chất lượng cao. Quy định này theo tôi chưa phù hợp. 

nld.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN