Hiện nay, cộng đồng chạy bộ ở Hà Nội đã lên đến hàng vạn người. Trong những buổi tập luyện hay các giải chạy, hình ảnh người chạy cầm chai nước nhựa đã quá quen thuộc. Rồi ở trạm tiếp nước dọc đường hoặc tại vạch đích cũng không thiếu cốc giấy, cốc nhựa dùng một lần, gây áp lực đáng kể cho môi trường.
Những thành viên trong nhóm Chạy vì mình tại Hà Nội như Phạm Duy Cường, Phạm Quốc Quân, Nguyễn Hồng Kỳ… cũng đã quá quen với những hình ảnh trên. Trong số họ, có người vừa là người chạy vừa kiêm nhà tổ chức nhiều giải nên càng hiểu rõ thực trạng. Chính vì vậy, họ cùng nhóm họp tìm ra những giải pháp để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Sau nhiều ngày tìm kiếm ý tưởng và đưa lên mạng xã hội để cộng đồng cùng đóng góp ý kiến, cuối cùng, một thành viên của Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh đã đưa ra giải pháp sử dụng màng bọc làm từ tinh bột ngô để làm túi đựng nước. Túi nước này có thể nằm gọn trong lòng bàn tay, chứa khoảng 100ml nước (lượng phù hợp với một người chạy khi cần tiếp nước). Khi sử dụng, người chạy chỉ cần cắn vào đầu túi nước mà không phải dừng lại. Và thế là nhóm xác định sẽ làm và đưa sản phẩm cụ thể này tới cộng đồng chạy bộ.
Quyết là làm, những thành viên của nhóm nhanh chóng bắt tay thực hiện. Nguyễn Hồng Kỳ, thành viên của nhóm, kể: “Lúc đầu cũng mất nhiều thời gian để hoàn thành những túi nước này, nhưng khi quen tay, chúng tôi có thể làm cả trăm túi nước trong vòng một giờ đồng hồ. Tuy nhiên, nếu làm được bằng hệ thống máy thì sẽ nhanh hơn nhiều. Chi phí sản xuất túi đựng nước hoàn chỉnh này nếu không tính đầu tư máy móc thì chỉ khoảng 300-400 đồng cho một túi. Và chúng tôi gọi sản phẩm này là viên nước năng động “Take & Run”.
Khi những viên nước “Take & Run” được mang ra thử nghiệm trong cộng đồng chạy bộ đã nhận được phản hồi tích cực. Anh Nguyễn Anh Dũng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Khi nhận lời mời sử dụng viên nước của nhóm Chạy vì mình, tôi mới thấy có rất nhiều giải pháp để không phải sử dụng những đồ nhựa một lần. Dùng viên nước này rất tiện lợi, lượng ni lông sau sử dụng quá nhỏ so với lượng rác nhựa từ cốc hay chai. Quan trọng là lượng ni lông để đựng nước lại thân thiện môi trường, sẽ phân hủy hoàn toàn”. Anh Đặng Văn Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) khẳng định: “Giải pháp này khả thi trong tập luyện, thi đấu, không chỉ ở môn chạy mà trong nhiều bộ môn khác cũng như nhiều hoạt động khác, như đi du lịch chẳng hạn. Giải pháp thay thế này vừa tiện dụng, vừa tiết kiệm, vừa thân thiện môi trường”.
Theo lý giải của anh Phạm Duy Cường, nếu sử dụng sản phẩm “Take & Run”, ban tổ chức giải chạy sẽ tiết kiệm tối đa chi phí cho những người phục vụ ở các trạm tiếp nước. Vì khi đặt viên nước ở những điểm tiếp nước là người chạy chỉ việc lấy rồi sử dụng.
Từ giải pháp của mình, những thành viên trong nhóm Chạy vì mình cũng mong muốn các doanh nghiệp sản xuất nước tinh khiết trong quá trình đón đầu xu thế “xanh” có thể sử dụng giải pháp trên để có những sản phẩm tiện dụng, tạo nét đẹp trong đời sống, giảm áp lực lên môi trường. Tiếng lành bay xa, hiện thành viên ban tổ chức các giải chạy ở miền Nam đã học hỏi cách làm viên nước năng động “Take & Run”. Còn tại Hà Nội, một số ban tổ chức giải chạy cũng đề nghị nhóm Chạy vì mình cung cấp số lượng lớn sản phẩm này, nhưng nhóm không thể đáp ứng vì họ không đặt mục tiêu kinh doanh, mà chỉ cung cấp giải pháp cho cộng đồng.
Một giải pháp nhỏ nhưng có thể đóng góp vào việc giữ gìn môi trường sạch và đẹp hơn trong hoạt động tập luyện thể thao cũng như các hoạt động khác. Và xa hơn, đó còn là việc gửi gắm thông điệp: Cộng đồng hãy cùng chung tay tìm ra các giải pháp để môi trường sống bớt bị áp lực bởi rác thải nhựa.