Bộ Nội vụ vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố sau khi có ý kiến thống nhất của ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh và HĐND cấp tỉnh, đăng ký thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Theo đó, ở cấp tỉnh sẽ thí điểm hợp nhất 8 Sở ngành thành 4, giảm 4 đơn vị so với hiện nay. Tại cấp huyện sẽ thí điểm hợp nhất 6 phòng, ban thành 3 phòng, ban cấp huyện, giảm 3 đơn vị.
VOV.VN -UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi đăng ký về Bộ Nội vụ trước ngày 15/12 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì việc sắp xếp, hợp nhất lại một số Sở ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng với nhau là một trong những giải pháp mạnh mẽ. Đây là cơ hội lớn để thực hiện việc tinh giản bộ máy, thu gọn đầu mối, giởm bớt việc chi thường xuyên ngân sách. Do đó, việc sáp nhập này không phải là phép cộng cơ học mà phải sắp xếp đúng người, đúng việc. Bước đầu có thể gặp khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư, song không phải vì thế mà chùn bước, cần phải kiên quyết thực hiện.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. |
“Để làm tốt việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn, trước hết cần phải làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ công chức, viên chức nhận thức việc này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, để tinh gọn bộ máy. Mọi cán bộ, đảng viên cần phải thấy rõ trách nhiệm của mình, không thể để bộ máy cồng kềnh và nhiều khi vì sự chồng lấn nhau, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ nên không muốn chịu trách nhiệm” – ông Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, các Sở ngành chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của UBND cấp tỉnh từ chức năng nhiệm vụ cho đến công tác cán bộ; còn các Bộ chỉ hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ nên khi tiến hành sáp nhập lại sẽ không có sự chồng chéo. Trước mắt, khi 2 Sở sáp nhập lại thành 1 thì 2 Bộ quản lý ngành dọc vẫn tiếp tục hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ. Song, dần dần từng bước theo lộ trình sẽ phải tính toán lại các Bộ quản lý.
Ông cũng cho rằng, cùng với việc hợp nhất các Sở ngành cũng phải rà soát, nghiên cứu lại chức năng điều hành, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước cho phù hợp với điều kiện, cơ chế thị trường hiện nay. Nhiều việc cơ quan hành chính Nhà nước không nhất thiết phải làm thì có thể chuyển giao cho các tổ chức chính trị xã hội thực hiện. Hiện nay, trong chương trình cải cách hành chính Nhà nước cũng đang làm theo hướng này để tập trung vào nhiệm vụ hoạch định chính sách, thể chế, kiểm tra, giám sát.
“Trước đây chúng ta ôm đồm khá nhiều việc dẫn đến bộ máy cồng kềnh, thì bây giờ tập trung xác định vị trí nghề nghiệp cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Nhà nước không làm trực tiếp tất cả các việc mà chuyển giao cho các bộ phận cấp dưới” – ông Dĩnh nói.
Nhấn mạnh việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn cũng là cơ hội để sàng lọc, sắp xếp lại tổ chức cán bộ, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, để làm tốt việc này đòi hỏi người đứng đầu phải công tâm, khách quan, minh bạch.
“Việc sắp xếp lại có thể làm một bộ phận cán bộ tâm tư “từ trưởng xuống phó”, nhưng kinh nghiệm từ một số Bộ ngành, địa phương đã làm tốt việc này cho thấy, cần thiết phải làm đồng bộ từ công tác tư tưởng cho đến chính sách, công tác cán bộ. Đối với cán bộ dôi dư cần có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi việc làm cho phù hợp” – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Đánh giá cán bộ phải công tâm, khách quan
Cùng chung mối quan tâm, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho biết, thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương, hiện nay, các cơ quan, đơn vị đang tiến hành tổ chức, sắp xếp lại để làm sao giảm được đầu mối trung gian, tinh giản biên chế.
Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện tại một số địa phương không đủ 2 điều kiện về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Theo báo cáo, một số địa phương tuy bước đầu có những khó khăn trong thực hiện, đặc biệt là công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, cũng như chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư, song với tâm thế quyết liệt, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đều nỗ lực triển khai với những cách làm sáng tạo, hiệu quả.
“Số lượng cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện chắc chắn sẽ nhiều hơn so với số lượng cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập các sở ngành. Song các địa phương đều có sự tính toán, bố trí hợp lý. Tin rằng, từ những kinh nghiệm này khi thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện sẽ làm tốt công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, chọn được người có tâm, có tầm, có tinh thần trách nhiệm cao” – ông Phạm Văn Hóa cho biết.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp lưu ý, công tác cán bộ phải được theo dõi một cách bài bản, đánh giá cán bộ một cách vô tư, công tâm, khách quan, trung thực. Nếu không khéo sẽ dễ xảy ra tình trạng bố trí “hậu duệ”, người nhà, người quen vào những vị trí chủ chốt, thay thế những vị trí dôi dư.
“Việc hợp nhất cần phải đảm bảo yêu cầu bộ máy vừa gọn vừa tinh, đặc biệt cần hết sức thận trọng, chú ý tránh việc “mất người tài, được người nhà”. Theo đó, để giải quyết vấn đề nhân sự dôi dư cần theo dõi quá trình hoạt động, phân loại đánh giá cán bộ, nhân viên một cách chính xác, khách quan để từ đó lựa chọn, giữ lại những người có tâm, có tầm trong bộ máy” – ông Phạm Văn Hòa nói và nhấn mạnh, để chọn đúng người, đúng việc đòi hỏi vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là rất lớn./.
vov.vn