Chiều tối nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì cuộc họp khẩn với Sở Y tế Hà Nội bàn biện pháp ứng phó với dịch sốt xuất huyết đang diễn ra căng thẳng tại Hà Nội.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn từ đầu năm đến nay đã lên 17.365 trường hợp, 7 ca tử vong.
Trong 3 tuần gần đây, số ca mắc mới luôn ở mức trên 3.400 bệnh nhân, số nhập viện dao động từ 2.600 – 3.100 bệnh nhân.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh |
So sánh số liệu trong 10 năm trở lại đây thì hiện Hà Nội đang lập kỷ lục mới về số ca mắc sốt xuất huyết.
Trước đó, đỉnh dịch cao nhất rơi vào 2 năm 2009 (16.090 ca, 4 ca tử vong) và 2015 (15.412 ca). Các năm còn lại, trung bình chỉ có 5.000-6.000 ca và đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9-10, tuy nhiên năm nay ngay từ tháng 5 địch đã bùng phát.
12 quận dịch lên mức báo động đỏ
12 quận/huyện có dịch sốt xuất huyết ở báo động đỏ gồm: Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thường Tín, Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Xuân. Kế đó là là các quận: Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Long Biên.
Ông Hạnh cho biết, đến nay Hà Nội đã huy động 25 máy phun công suất lớn trên ô tô (22 tỉnh cho mượn 22 máy), 10 máy phun mù nóng, 180 máy phun đeo vai để phun hóa chất “hạ hỏa” dịch sốt xuất huyết.
Các quận, huyện cũng đã thành lập trên 26.000 đội xung kích diệt bọ gậy với hơn 63.000 người; hơn 4.600 tổ giám sát.
Tuy nhiên, 12 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội nhận định hoạt động của các đội xung kích ở các địa phương chưa hiệu quả, có đội còn sử dụng cả người già.
Ông Trần Vũ Phong, Trưởng khoa Côn trùng và Động vật học, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, mật độ muỗi đã giảm sau khi phun hóa chất nhưng các ổ bọ gậy vẫn còn nhiều và có gần 97% dụng cụ chứa nước đọng ở các nghĩa trang có chứa ổ bọ gậy.
Ông Phong cũng lưu ý, việc tìm các ổ bọ gậy năm nay khá đặc biệt, ngoài tự nhiên khó thấy, muỗi "khôn" hơn khi đẻ ở những nơi khó tìm như ở khay nước dưới đáy tủ lạnh.