Người Việt Odessa
Tin trong nước

Ông Đinh La Thăng xin lỗi Đảng và nhân dân

Chủ nhật, 14/01/2018 | 07:24
Ông Đinh La Thăng nhận trách nhiệm cho các bị cáo cấp dưới vì cho rằng họ đã nghe theo sự chỉ đạo quyết liệt, nôn nóng của mình, dẫn đến sai phạm

Không vì động cơ cá nhân

Mở đầu phần tự bào chữa, ông Đinh La Thăng cảm ơn các cơ quan tố tụng đã nhanh chóng hoàn thành kết luận điều tra, cáo trạng. Qua đó, TAND TP Hà Nội đã có một phiên tòa dân chủ, công khai, đổi mới theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Bộ Luật Hình sự 2015.

Ông Đinh La Thăng xin lỗi Đảng và nhân dân

Bị cáo Đinh La Thăng: "Rất mong HĐXX xem xét, lãnh đạo tập đoàn là cả tập thể chứ không thể là một mình bị cáo" Ảnh: TTXVN

Ông Thăng cho biết đã nghe rất kỹ bản luận tội của VKSND và hoàn toàn tôn trọng. Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa ông khai báo cụ thể và luôn nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu Hội đồng Thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Ông Thăng thừa nhận thiếu kiểm tra, giám sát nên không phát hiện kịp thời những vi phạm, khuyết điểm của cấp dưới, dẫn đến nhiều cá nhân vi phạm pháp luật và bị truy tố trách nhiệm hình sự.

"Bị cáo xin nhận trách nhiệm đúng chức năng nhiệm vụ của mình và nhận trách nhiệm cho các bị cáo cấp dưới từ anh Thực (ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc PVN - PV) trở xuống. Nhưng bị cáo không có động cơ cá nhân, không vụ lợi, vì trách nhiệm của mình, vì sự chỉ đạo của HĐTV và từ bị cáo hết sức quyết liệt mà có lúc nôn nóng dẫn đến vi phạm" - ông Thăng nói.

Ông Thăng nhận trách nhiệm toàn bộ đối với tội "Cố ý làm trái". Đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng mong muốn nhìn trong tổng thể về sản xuất kinh doanh của PVN, trong bối cảnh về phát triển PVN từ năm 2006 đến 2015 và tầm nhìn 2025.

Chỉ định thầu không phải cứu PVC

Ông Thăng mong HĐXX đánh giá công tâm khách quan những kết quả, nỗ lực đạt được của PVN. Trong bối cảnh khó khăn, PVN đã trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước, tăng trưởng từ 3-7 lần, nộp ngân sách đến 30%, đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đóng góp vai trò quan trọng khi đóng góp điều tiết kinh tế. Trong bối cảnh PVN thực hiện thí điểm mô hình tập đoàn mà mô hình pháp lý chưa đầy đủ, vừa làm vừa sửa nên bị cáo có sai. Việc năng động và vi phạm pháp luật là mong manh và rủi ro pháp lý khi chưa có đầy đủ văn bản pháp luật để điều chỉnh.

Về chỉ định thầu, ông Thăng cho biết là từ năm 2009, ông không thể biết đến năm 2011 PVC khó khăn như vậy. Năm 2011, không chỉ PVC mà tất cả các đơn vị khác đều khó khăn. Việc khó khăn nhất thời là không thể tránh khỏi nên cần xem xét lại cáo buộc PVC không đủ năng lực tài chính.

Về vấn đề kinh nghiệm, Chính phủ đã cho phép PVN chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên. Do đó, các đơn vị có thế mạnh nào thì PVN chỉ đạo đơn vị đó, trong đó PVC là công ty đại chúng, báo cáo tài chính đều thể hiện có lãi và mạnh về xây lắp nhất nên được chỉ định. Việc chỉ định thầu là đặt trong bối cảnh chứ không phải nhất thời để cứu PVC khỏi khó khăn".

Nguyên Chủ tịch HĐTV PVN cũng nói nếu thuê nước ngoài thì doanh nghiệp Việt Nam không phát triển được, không thể phát huy nội lực.

Muốn trước chết được ra tù

 

Theo ông Thăng, với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, HĐTV PVN ra quyết định cho PVC và liên danh nhà thầu nước ngoài thực hiện. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn nhà thầu khó khăn, HĐTV đã đồng ý để PVC làm tổng thầu, sau đó có báo cáo Chính phủ và được đồng ý.

"Rất mong HĐXX xem xét, lãnh đạo tập đoàn là cả tập thể chứ không thể là một mình bị cáo" - ông Thăng phân trần và nói bố mắc bệnh hiểm nghèo, có 2 con gái, 1 cháu phát triển không bình thường, rất cần sự chăm sóc của bố mẹ. "Bản thân bị cáo bị rất nhiều bệnh nên trước khi chết thì được ra tù để được chết tại nhà, trong vòng tay người thân".

"Bị cáo xin lỗi Đảng, nhân dân và các thế hệ người lao động dầu khí vì sai phạm của mình" - ông Thăng kết thúc bài bào chữa của mình.

Trịnh Xuân Thanh lại sắp hầu tòa

TAND TP Hà Nội vừa quyết định đưa ra xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và 7 đồng phạm trong vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) vào ngày 24-1, dự kiến kéo dài đến ngày 6-2, xét xử cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Trong vụ án này, Thanh được cho là nhận "lại quả" 14 tỉ đồng và tổng số các bị cáo đã nhận 49 tỉ đồng là khoản tiền chênh lệch mua cổ phần của PVP Land.

Nguyễn Hưởng - nld.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN