Người Việt Odessa
Tin trong nước

Ô nhiễm bụi ở miền Bắc được cải thiện trong những ngày tới

Thứ tư, 13/11/2019 | 04:00
Ô nhiễm bụi PM2.5 từ 4-12/11 liên tục tăng theo chiều hướng xấu là do thời tiết tại miền Bắc không có mưa, độ ẩm không khí thấp, ban ngày trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao.

Hiện tượng bụi mịn, sương mù quang học gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)


Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết từ ngày 13/11, tình trạng ô nhiễm không khí ở miền Bắc sẽ giảm, chất lượng không khí sẽ được cải thiện hơn do tác động của đợt không khí lạnh kèm theo mưa.

Tuy nhiên, trong ngày 13/11, người dân vẫn nên hạn chế tập thể dục ngoài trời, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường, nhất là tại các đô thị đông dân.

Lúc 7 giờ ngày 13/11, ghi nhận ở điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại trạm 556 Nguyễn Văn Cừ chỉ số chất lượng không khí AQI vẫn ở mức kém (117), không tốt cho nhóm nhạy cảm, hạn chế thời gian ở ngoài trời.

Hệ thống quan trắc không khí PAMAir cũng ghi nhận chỉ số AQI ở hầu hết các khu vực trong Hà Nội đều ở ngưỡng đỏ, không tốt cho sức khỏe, cao nhất là 191-194 ở điểm Tô Hiệu (Hà Đông), Đồng Tân (Ứng Hòa), Thượng Mỗ (Đan Phượng).

[Hà Nội chìm trong màn ‘‘sương đục’’: Bộ TN-MT ra cảnh báo ở mức cao]

Một số điểm ở miền Bắc chỉ số AQI vẫn ở mức tím, mức nguy hại cho sức khỏe như thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên) là 252, Sóc Sơn (Hà Nội) là 215, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) là 212; thậm chí ở khu vực Ba Tháng Hai (thành phố Thái Nguyên - Thái Nguyên) là 351, ở mức nâu theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ - mức cao nhất trong thang bậc ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người.

Tổng cục Môi trường nhận định ô nhiễm bụi PM2.5 từ 4-12/11 liên tục tăng theo chiều hướng xấu là do thời tiết tại miền Bắc không có mưa, độ ẩm không khí thấp, ban ngày trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao.

Khoảng thời gian ghi nhận có nồng độ bụi PM2.5 tăng cao vào lúc nửa đêm và đầu giờ sáng vì đó là các khoảng thời gian lặng gió và hiện tượng nghịch nhiệt dễ xảy ra. Vì vậy, các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi PM2.5 tích tụ trong không khí, không thể phát tán lên cao và đi xa.

Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khoảng trưa và chiều 13/11, bộ phận không khí lạnh mới ảnh hưởng đến một số nơi thuộc vùng núi phía Bắc của Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ gây mưa, mưa rào và có nơi có dông. Gió chuyển hướng Đông Bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4 nên ô nhiễm bụi PM2.5 sẽ giảm.

Trước đó, theo ghi nhận tại các trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường, nồng độ trung bình 24 giờ của bụi PM2.5 đã vượt QCVN 05:2013/BTNMT tại tất cả các trạm, có trạm vượt hơn 2 lần và có xu hướng tăng theo thời gian.

Trong tuần đầu tháng 11, ở Hà Nội, khoảng thời gian ghi nhận giá trị bụi PM2.5 tăng cao, AQI giờ ở mức kém (trên 100), thậm chí có những giờ lên đến mức xấu (trên 200). Trong buổi sáng liên tiếp các ngày từ 5-7/11, giá trị AQI giờ tại một số trạm đã vượt giá trị 200. Đặc biệt, trong sáng 12/11 đã ghi nhận chỉ số chất lượng không khí AQI giờ vượt ngưỡng 300 (mức nguy hại cho sức khỏe).

Theo đại diện Tổng cục Môi trường, ô nhiễm không khí nghiêm trọng thường diễn ra từ đêm đến sáng và chiều tối. Thời gian ghi nhận nồng độ PM2.5 tăng cao thường xảy ra vào nửa đêm và sáng sớm.

Tuy nhiên, từ buổi trưa đến chiều, ánh nắng Mặt Trời đốt nóng lớp không khí sát mặt đất, các chất gây ô nhiễm không khí được phát tán nên chất lượng không khí sẽ được cải thiện. Đến buổi tối, nhiệt độ của lớp không khí sát mặt đất giảm nhanh hơn các lớp phía trên do quá trình quá trình bức xạ hồng ngoại, dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt.

Chia sẻ về thực trạng nêu trên, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết trong nhiều năm nghiên cứu về chất lượng không khí, đây là lần đầu ông chứng kiến chỉ số ô nhiễm ở Hà Nội cao như vậy.

"Với mức ô nhiễm này, tôi cho rằng Hà Nội cần cảnh báo để người dân có cách bảo vệ sức khỏe của mình," ông Tùng khuyến cáo.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo cho biết với đặc điểm thời tiết giao mùa, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn, nồng độ bụi PM2.5 có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao.

Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài. Trường hợp có nhu cầu cần ra ngoài, cần đeo khẩu trang, kính mắt.

Để theo dõi thông tin về chất lượng không khí, người dân nên thường xuyên cập nhật qua website của Tổng cục Môi trường như: cem.gov.vn; aqicn.org của Đại sứ quán Mỹ; PAMAir, Air visual…/.

(Vietnam+)


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN