Sau một thời gian được quây tôn để thí điểm công nghệ xử lý nước Nano Bioreactor của Nhật Bản như ở sông Tô Lịch, một góc hồ Tây trên phố Nguyễn Đình Thi đã có nhiều thay đổi.
Khu vực được quây tôn có diện tích 1.000 m2. Theo ghi nhận, nước tại đây đã chuyển màu trong hơn, không còn màu xanh đặc trưng của tảo, đồng thời mùi hôi cũng đã giảm hẳn.
Có thể nhìn thấy rõ sự khác biệt giữa nước ở bên trong và bên ngoài. Bên trái là nước đã được xử lý, màu trong hơn, có cá bơi. Bên phải, do ngoài vùng xử lý nên nước ô nhiễm, cá chết.
Bằng mắt thường cũng dễ dàng nhìn thấy cá tung tăng bơi lội dưới nước hồ.
Nước trong và sạch khiến cho hệ sinh thái thủy sinh tại đây phong phú, đa dạng hơn với nhiều loài cá như cá trê, cá rô phi, cá chép...
Nếu để ý kỹ còn có thể phát hiện nhiều loài khác như tôm càng, ốc...
Tuy nhiên, thứ được tìm thấy nhiều nhất dưới đáy hồ không phải tôm cá mà là bát hương.
Màu nước trong làm lộ ra hàng trăm bát hương nằm ngổn ngang khắp nơi trong khu vực thí điểm lọc nước, gây mất mỹ quan.
Thậm chí có cả bức tượng ông Cóc ngậm tiền, thứ vẫn được đặt trong bàn thờ để cầu tài lộc.
Theo ông Đào Văn Cường, bảo vệ trực tại khu vực thí điểm xử lý nước hồ Tây cho biết, tại đây đầy rẫy những bát hương như thế này. Tuy mất mỹ quan nhưng may mắn là chúng không ảnh hưởng quá nhiều đến môi trường nước. "Dân mình trước giờ vẫn hay có thói quen vứt bàn thờ, bát hương, phóng sinh cá xuống sông, hồ sau khi cúng ông Công ông Táo. Những thứ được tìm thấy tại đây khả năng là được vứt xuống từ lâu rồi. Bây giờ người ta toàn đem ra sông Hồng để vứt", ông Cường nói thêm.
Để đảm bảo thu được kết quả khách quan nhất, UBND thành phố cũng đã cho đặt biển báo cấm các hoạt động hóa vàng, phóng sinh cá tại khu vực thử nghiệm xử lý nước này.
danviet.vn