Sau khi có đơn tố cáo, cơ quan tổ chức kiểm tra, xác minh, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (Trưởng Phòng Quản trị, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) đã thừa nhận làm giả hồ sơ từ ban đầu và làm đơn xin thôi việc.
Bà Thảo giải trình: “Thời điểm xảy ra sự việc, tôi còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn và nông nổi. Vì muốn có việc làm để mưu sinh trong lúc gia đình rất khó khăn nên tôi mượn hồ sơ của chị gái để xin việc làm, chứ hoàn toàn không có mục đích nào khác.
Tôi thấy việc làm của tôi là sai trái và xin thành khẩn nhận khuyết điểm của mình và xin nhận mọi hình thức kỷ luật của Đảng, của tổ chức. Tôi nhận thấy bản thân đã vi phạm và xin thôi việc tại Văn phòng Tỉnh ủy”.
Theo Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Thượng Hải, việc bà Thảo sử dụng bằng cấp của chị gái để đi học, làm việc bắt nguồn từ 20 năm trước.
Năm 1999, bà Thảo xin vào làm nhân viên tại xí nghiệp Chế biến cà phê của công ty Xuất nhập khẩu cà phê 2-9 (thuộc quản lý của Tỉnh ủy Đắk Lắk).
Do doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải có bằng tốt nghiệp THPT nhưng bà Thảo lại chưa học, chưa có bằng nên đã lấy bằng cấp của chị kế mình là Trần Thị Ngọc Ái Sa để hoàn thiện hồ sơ.
Quá trình làm việc tại đây, bà Thảo tiếp tục dùng bằng cấp của chị gái để đi học trung cấp, cao đẳng rồi học từ xa tại ĐH Đà Nẵng chuyên ngành kế toán, tốt nghiệp năm 2009.
Năm 2005, bà Thảo được nhận vào làm nhân viên kế toán tại nhà khách tỉnh Đắk Lắk (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy). Đến năm 2007, bà giữ chức kế toán trưởng của nhà khách tỉnh.
Tường trình của bà Thảo |
Cũng theo ông Hải, đến năm 2009, Văn phòng Tỉnh ủy thiếu nhân viên kế toán nên đã điều động bà Thảo từ nhà khách tỉnh về đơn vị làm việc.
Năm 2013, bà Thảo được bổ nhiệm làm Phó trưởng Phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy và đến năm 2016 thì được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng.
Sai phạm không thể sửa chữa, xử lý mức nặng nhất
Ông Nguyễn Thượng Hải cho biết, khi bà Thảo chuyển về công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy, các hồ sơ hành chính, hồ sơ đảng viên của bà Thảo (dưới cái tên Trần Thị Ngọc Ái Sa) đã được kiểm tra.
Tuy nhiên, quá trình kiểm tra hồ sơ không phát hiện có sai sót gì nên đã thực hiện các quy trình đề bạt, bổ nhiệm bình thường.
Khi ông Hải đang công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy thì nhận được tố cáo về việc bà Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) dùng hồ sơ giả để đi học, công tác.
“Thực tế nếu không bị tố cáo, bà Thảo cũng thuộc diện phải rà soát về tiêu chuẩn cán bộ theo hướng dẫn của Trung ương” - ông Hải cho biết.
Theo ông, xuất phát từ thời điểm lịch sử, lúc đó hai chị em khá giống nhau nên các cơ quan chuyên môn mới nhầm lẫn và để bà Thảo đi học, thăng tiến dưới cái tên của chị mình.
“Tuy chưa có kết luận cuối cùng nhưng quan điểm của Tỉnh ủy là sai phạm này không thể sửa chữa, khắc phục và phải xử lý ở mức nặng nhất", ông Hải quả quyết.
vietnamnet.vn