Trong khóa tập huấn này, 80 giáo viên đang dạy tiếng Việt ở 10 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được tập huấn về chương trình đào tạo mang tính chuyên nghiệp cao. Khóa tập huấn có sự tham gia giảng dạy của các giảng viên uy tín hàng đầu về ngôn ngữ học và sư phạm của Việt Nam.
Ngoài ra, các giáo viên kiều bào được dự giờ giảng dạy tiếng Việt tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), được tiếp cận các giáo trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài như Tiếng Việt vui, Quê Việt và các tài liệu chuyên sâu về tiếng Việt do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn. Các học viên cũng đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan các danh lam thắng cảnh tại Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam...
Chia sẻ những cảm xúc sau khóa tập huấn, các học viên cho biết đã thu được nhiều kiến thức về phương pháp sư phạm cũng như kinh nghiệm trong dạy tiếng Việt.
Cô giáo Nguyễn Phương Dung (Belarus) chia sẻ: “Không chỉ được nghe các bài giảng của các thầy, cô giáo là chuyên gia ngôn ngữ hàng đầu của Việt Nam, chúng tôi còn được dự các lớp học thực tế, được giải đáp rất nhiều khúc mắc trong quá trình giảng dạy, giúp cho việc chuyển tải tiếng Việt đến học sinh được dễ dàng và hiệu quả hơn. Khóa tập huấn cũng là một kỷ niệm đẹp về quê hương, đất nước, tạo cho chúng tôi nhiều động lực để tiếp tục theo đuổi việc duy trì và giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài".
Bày tỏ vinh dự được trở về tham dự khóa tập huấn, chị Lâm Quế Kim (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết đây là cơ hội quý báu để những người làm công tác “gieo chữ” cho thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba ở nước ngoài học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy và quảng bá văn hóa Việt Nam. Khóa tập huấn cũng là dịp để các đồng nghiệp có thể động viên, chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong công việc và cuộc sống nơi đất khách quê người.
Theo anh Mai Hải Lâm (Ba Lan), 2 tuần vừa qua là khoảng thời gian có ý nghĩa đặc biệt. “Chúng tôi đã được truyền lại rất nhiều kiến thức và kỹ năng quý báu trong việc giảng dạy tiếng Việt. Lớp tập huấn đã giúp hình thành một mạng lưới các thầy cô giáo tham gia giảng dạy tiếng Việt ở khắp nơi trên thế giới, từ đó có thể lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ trẻ người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Với chúng tôi, lớp học là nơi kết nối tình yêu tiếng Việt”, anh Mai Hải Lâm nói.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị bày tỏ tin tưởng, sau khi tham dự khóa tập huấn, các giáo viên sẽ tiếp tục tham gia tích cực và trở thành lực lượng nòng cốt thúc đẩy phong trào nâng cao chất lượng dạy, học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần tích cực vào việc bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như duy trì, phát huy bản sắc dân tộc.
Đây là việc làm hết sức thiết thực thể hiện tình yêu quê hương theo như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
hanoimoi.com.vn