Người Việt Odessa
Tin trong nước

Những điểm mới của sách giáo khoa môn toán lớp 1

Thứ sáu, 06/12/2019 | 04:16
5 bộ sách giáo khoa lớp 1 sắp đưa vào sử dụng trong các trường học tới đây được viết sinh động và hấp dẫn, với nhiều hoạt động tăng cường làm việc nhóm và phát triển năng lực của học sinh.

Có nhân vật robot xuyên suốt và các nhân vật lớn lên cùng học sinh

PGS.TS Lê Anh Vinh, Chủ biên sách giáo khoa Toán lớp 1 “Kết nối tri thức với cuộc sống” cho biết, sách của nhóm tác giả này được cấu trúc theo bài học và chủ đề, chứ không cấu trúc theo tiết học như trước đây. Do đó giáo viên có thể linh hoạt khi giảng dạy.

Những điểm mới của sách giáo khoa môn toán lớp 1

PGS.TS Lê Anh Vinh, Chủ biên sách giáo khoa Toán lớp 1 “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Ảnh:Thanh Hùng

Trong mỗi bài học sẽ có 4 phần. Phần 1 là Khám phá để gợi mở và tìm hiểu kiến thức mới. Ở phần Hoạt động, học sinh được thực hành để nắm kiến thức. Phần thứ 3 được nhóm tác giả tâm đắc là các Trò chơi.

Trò chơi được thiết kế để có thể tổ chức cho các em tự chơi một mình, theo cặp hoặc theo nhóm và về nhà có thể chơi với gia đình. Phần thứ 4 là Luyện tập để ôn tập, vận dụng và củng cố lại kiến thức.

Thứ hai, sách xây dựng tuyến nhân vật xuyên suốt, gồm 4 bạn nhỏ: Mai, Nam và Việt là 3 bạn cùng lớp, Mi là em gái của Mai các anh chị 3 tuổi.

Có một nhân vật đặc biệt là bạn robot - để tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Robot sẽ tham gia rất nhiều hoạt động từ việc trồng cây, chăn nuôi rồi xây nhà…

Trong cuốn sách có nhiều hoạt động mà robot là nhân vật chính, tạo ra được tiếng cười cho trẻ thông qua những hình vẽ minh họa.

Những điểm mới của sách giáo khoa môn toán lớp 1

Đây là nhóm nhân vật xuyên suốt và lớn lên cùng học sinh cấp tiểu học trong sách giáo khoa Toán lớp 1 “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Ảnh: Thanh Hùng

 

Điểm mới thứ ba là hoạt động phong phú và đa dạng. Cuốn sách có 8 trò chơi, trung bình khoảng 3 tuần thì sẽ có 1 trò. Ví dụ trò Bắt gà xuất hiện cuối bài 1 khi dạy xong các số từ 1 đến 10. Trò chơi Đưa ong về tổ bằng tung xúc xắc,…

Thứ tư, sách gắn Toán học với thực tiễn, lồng ghép tích hợp nội dung liên môn như đưa nội dung câu chuyện Rùa và Thỏ, Dế mèn phiêu lưu ký,… qua các câu chuyện ngụ ngôn học được cách xem giờ,…

Sách đặc biệt chú trọng kênh hình minh họa để học sinh dễ tiếp cận.

Sách tăng tích hợp, học sinh có nhiều hợp tác

Còn GS Đinh Thế Lục, Tổng chủ biên bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” (NXB Giáo dục Việt Nam) cho biết ở SGK mới, việc “học kiến thức” được thực hiện theo cách tích cực, đồng thời vận dụng vào trong thực tế.

Những điểm mới của sách giáo khoa môn toán lớp 1

GS Đinh Thế Lục, Tổng chủ biên bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”. Ảnh: Thanh Hùng

 

Triết lý này được thể hiện ở bộ sách thông qua những điểm mới sau:

Thứ nhất, bộ sách được thiết kế mỗi bài học theo 4 hoạt động cơ bản với trình tự nhất định: Khởi động (giáo viên đưa ra một số vấn đề liên quan đến kiến thức mà học sinh sẽ học); Khám phá (từ một tình huống cụ thể nào đó trong thực tế, học sinh sẽ mô hình hóa rồi rút ra kết luận và kết luận đó chính là kiến thức mà các em được học); Luyện tập; Vận dụng (để học sinh biết kiến thức đó ứng dụng trong thực tế như thế nào).

Như vậy, giáo viên chỉ là người đứng ra đạo diễn, còn người thực hiện chính, trung tâm của hoạt động là các học sinh.

“Lấy học sinh làm trung tâm trong các hoạt động thì các em sẽ nắm được kiến thức rõ ràng hơn, hiểu được vì sao có và vì sao cần kiến thức đó. Chứ không phải mới vào "giáng ngay" 2+2=4 mà mơ hồ không biết ý nghĩa của phép cộng, phép trừ,...”, ông Lục nói.

Điểm mới thứ 2 là sách được kiến tạo rõ ràng, rành mạch từng bước, tránh những kỹ thuật lắt léo.

Điểm mới thứ 3 là hướng cho học sinh việc học hợp tác với nhau. Trong sách thiết kế rất nhiều hoạt động theo nhóm, theo cặp và theo lớp. Học sinh có thêm tương tác với nhau, chứ không chỉ tương tác với giáo viên.

Những điểm mới của sách giáo khoa môn toán lớp 1

Sách Toán “Cùng học để phát triển năng lực” có tính tích hợp cao, bài trong ảnh là một ví dụ.Sách cũng được thiết kế giúp người dùng nhận diện cao từng hoạt động với thiết kế ký hiệu và màu sắc riêng. Cùng đó, nhận diện các môn học thông qua màu đỉnh sách, với sách toán là màu đỏ phía trên. Ảnh: Thanh Hùng

 

Điểm mới thứ 4 là tích hợp nhiều hơn. Sách về toán không chỉ thuần túy có toán (tích hợp giữa hình học và đại số, đo lường và số học,...) mà tích hợp nhiều môn học khác. Ví dụ, ở phần vận dụng, có thể yêu cầu các học sinh sưu tầm các loại hoa có cùng số cánh hoa,...

Điểm mới cuối cùng là sách được thiết kế đẹp, bắt mắt; bố trí nhiều và hài hòa giữa kênh hình và chữ. Phân bổ mỗi trang là 1 tiết nên rất thuận tiện cho học sinh học.

“Đối với học sinh nhất là các em ở lứa tuổi nhỏ thì điều quan trọng đầu tiên là nhìn vào cuốn sách phải có sự thích thú. Bởi nếu nhìn vào chỉ toàn những con số chi chít thì sẽ dễ chán.Trong khi điều quan trọng là gây được hứng thú trong học tập”.

Sách cũng được thiết kế với khả năng nhận diện cao từng môn học thông qua màu bìa sách.

Chú trọng vui học toán

PGS.TS Đỗ Tiến Đạt, Chủ biên môn Toán tiểu học bộ sách giáo khoa “Cánh diều” do NXB ĐH Sư phạm và NXB ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty CP Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) biên soạn, xuất bản cho hay:

SGK Toán 1 (bộ sách “Cánh Diều”) quán triệt các quan điểm phát triển năng lực và phẩm chất, tinh giản, thiết thực, hiện đại được nhấn mạnh trong Chương trình môn Toán mới.

Tổng thời lượng dành cho môn Toán lớp 1 mới là 105 tiết, tức giảm đến 25% so với chương trình hiện hành.

Ước lượng thời gian (tính theo %) cho các mạch kiến thức là: Số và Phép tính khoảng 80%; Hình học và Đo lường khoảng 15%; Hoạt động thực hành và trải nghiệm khoảng 5%.

Những điểm mới của sách giáo khoa môn toán lớp 1

PGS.TS Đỗ Tiến Đạt, Chủ biên môn Toán tiểu học bộ sách giáo khoa “Cánh diều” do NXB ĐH Sư phạm và NXB ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh biên soạn. Ảnh: Thanh Hùng

 

Về nội dung, sách vừa kế thừa, vừa đổi mới so với SGK hiện hành (tính kế thừa sẽ giúp giáo viên dễ thực hiện bài dạy hơn).

Sách có mục tiêu giúp học sinh đạt được các yêu cầu cơ bản như: Đếm, đọc, viết, so sánh, cộng, trừ các số trong phạm vi 100; Nhận dạng (trực quan) một số hình phẳng và hình khối đơn giản; Thực hành lắp ghép, xếp hình; Thực hành đo độ dài, đọc giờ đúng, xem lịch (lịch tờ hàng ngày); Thực hành giải quyết vấn đề liên quan đến ý nghĩa thực tiễn của các phép tính cộng, trừ; Thực hành và trải nghiệm ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn đời sống.

Khác với sách hiện hành, sách Toán 1 mới cua nhóm tác giả có cấu trúc nội dung và thiết kế qui trình dạy học phù hợp hơn.

Mỗi bài học bao gồm nhiều dạng câu hỏi, bài tập hoặc hoạt động được sắp xếp theo tiến trình từ dễ đến khó, hướng đến việc khám phá, phát hiện, thực hành, vận dụng giải quyết vấn đề trong thực tiễn và phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh.

Ngoài ra, trong sách có thiết kế dạng bài “Em vui học Toán” nhằm tăng cường hoạt động thực hành và trải nghiệm, bồi dưỡng năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu gắn lý thuyết với thực hành theo tinh thần xuyên suốt của bộ sách “Cánh Diều” là “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống”.

Một điểm mới nữa là sách Toán 1 mới có khổ sách lớn hơn, hình thức trình bày bắt mắt, nhiều màu sắc hơn so với SGK hiện hành vốn chỉ có 3 màu xanh, đen, trắng. Sách mới được trình bày hấp dẫn, khơi gợi trí tò mò, kích thích hứng thú, tạo dựng niềm tin trong học tập môn Toán ở học sinh.

Sách toán có tính nhân văn sâu sắc

Sách môn Toán (bộ sách Chân trời sáng tạo) có mục "hoạt động ở nhà". Sách cũng có phần "đất nước em" giới thiệu các địa danh nổi tiếng như chợ nổi Cái Răng, biển Nha Trang lồng với kiến thức toán học.

Thông tin này được ông Khúc Thành Chính - Chủ biên cho biết tại Ngày hội Toán học mở ở TP.HCM. Sách do nhiều giáo viên của Sở GD-ĐT TP.HCM cùng phối hợp biên soạn còn ông là chủ biên (ông Trần Nam Dũng làm tổng chủ biên).

Những điểm mới của sách giáo khoa môn toán lớp 1

Ông Khúc Thành Chính - Chủ biên sách Toán "Chân trời sáng tạo". Ảnh: Lê Huyền

 

Theo ông Chính, ý tưởng trình viết sách trước Sở GD-ĐT TP.HCM và nhà xuất bản của ông hơi khác biệt. Đó là mục tiêu viết sách dạy toán nhưng phải thể hiện tính nhân văn thật sâu sắc.

Tính nhân văn trong sách Toán được thể hiện ở hai chiều hướng.

Chiều thứ nhất khi viết cho học sinh lớp 1 , nhóm biên soạn trăn trở hiện có nhiều học sinh sợ toán. Trong khi đó thi học sinh giỏi của Việt Nam từ xưa tới nay ở cấp học này chỉ xoay quanh Toán, Tiếng Việt, Ngoại Ngữ và đây 3 môn chủ đạo.

 

Chính vì vậy, ngay cả trong buổi phát thưởng ở trường học sinh nào đạt giải toán cũng được trầm trồ mà xem nhẹ những giải khác như hội họa, hay giáo dục thể chất.

"Tôi quan niệm mỗi em bé là một bông hoa, có thể giỏi môn này dở môn kia. Thậm chí các bé cũng có thể không giỏi môn nào nhưng đối xử tốt với bạn bè cũng rất đáng trân trọng.

Chính vì vậy khi viết sách giáo khoa môn toán, chúng tôi cố gắng làm cho học trò tiếp cận dễ dàng, kể cả những học sinh không có năng khiếu, không giỏi cũng thấy dễ.

Chúng tôi cũng không lấy tiêu chuẩn bắt buộc các em phải thuộc bảng cộng, trừ như hiện nay nhiều giáo viên làm mà chỉ khuyến khích".

Chiều hướng thứ hai, theo ông Chính, tính nhân văn được thể hiện qua dạy toán đó là hoạt động ở nhà. Ông Chính cho rằng hiện Bộ GD-ĐT quy định không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học không thực sự phù hợp, bởi ngay cả giáo dục Phần Lan tiên tiến nhất thế giới vẫn có phần bài tập về nhà.

"Phần bài tập về nhà được quy định vừa phải sẽ tốt. Vì vậy trong sách của chúng tôi có mục "hoạt động ở nhà" nhưng không yêu cầu cần phải rèn rũa nhiều.

Mong muốn lớn của chúng tôi là để cha mẹ nhìn vào biết con mình đang học đến đâu, ở chỗ nào. Nếu cha mẹ không biết chữ thì những người thân xung quanh đều có thể hiểu câu chuyện ngày đó em bé học được".

Cũng theo ông Chính, trong sách toán cũng có mục "đất nước em". Lý do khiến ông làm mục này là do trong 1 lần gặp học sinh lớp 6 có mặt mũi sáng sủa, học toán tốt, nhưng khi hỏi em ở đâu thì chỉ nói được tên đường mà không biết khúc nào, cũng không biết trong gia đình cha mẹ làm gì, lớn tuổi chưa.

"Những em bé này tình hình chung hiện giờ là lúc nào cũng bấm, cũng chat, ngồi ăn với cha mẹ cũng không nói chuyện, không trao đổi.

Chính vì thế tôi đưa vào sách mục "đất nước em" và giới thiệu chợ nổi Cái Răng, biển Nha trang như thế nào,... tất nhiên có lồng với kiến thức toán học" - ông Chính nói.

Sách toán cũng có bản đồ Việt Nam. Có bài tập yêu cầu học sinh tìm xem Hà Nội chỗ nào hay nhà nằm ở tỉnh nào. "Qua điều này tôi mong muốn học sinh quan tâm hơn đến nơi mình sống, đến môi trường xung quanh, đến đất nước mình"- ông Chính nói.


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN