Đây là một trong những vụ trộm cắp mà đối tượng thực hiện là cán bộ ngân hàng. Vì thế, các máy ATM dù được lắp đặt theo quy chuẩn, có hệ thống cửa, khóa bảo vệ, hệ thống dây mạng, chuông báo động, camera an ninh nhưng phải một thời gian dài Huy cùng Thư phạm tội mới bị phát hiện.
Được biết, Phạm Quốc Huy vào làm việc tại tại Ngân hàng từ năm 2011. Đến năm 2015, Huy được phân công là thành viên của Bộ phận tiếp quỹ ATM. Theo quyết định được phân công, Phạm Quốc Huy làm trong bộ phận tiếp quỹ. Đối tượng có nhiệm vụ cùng một số cán bộ quản lý chìa khóa để mở máy ATM.
Trong quá trình làm việc, Huy đã phát hiện nhiều sơ hở trong quá trình tiếp quỹ. Một là, chìa khóa máy ATM do Hoàng Thị Thuần quản lý có sơ hở. Thuần để chìa khóa của từng máy trong từng bìa giấy riêng và cất trong hòm tôn, khóa lại. Chìa khóa hòm này lại để cùng với các chìa khóa khác trong giỏ bằng nhựa đặt trên mặt bàn, còn hòm tôn đựng chìa khoá máy ATM để trên mặt két.
Trong cơ quan, Thuần có nhiều việc nên không thể để ý hết được, do đó Huy có thể lấy trộm chìa khóa hòm tại giỏ để mở hòm tôn lấy bì đựng khóa máy ATM. Đồng thời, Huy lấy trộm luôn cả chìa khóa mở khay tiền trong hòm đó. Hoặc Huy có thể báo máy hỏng để tự mình đi sửa, từ đó Thuần lấy chìa khóa ra đưa cho Huy.
Đối tượng Huy tại cơ quan Công an.
Đối với chìa khóa khay tiền, Huy còn cách lấy trộm như sau: Tại cơ quan khi nạp tiền vào khay xong, thành viên 2 (TV) cất chìa khóa khay tiền vào ngăn kéo. Huy tranh thủ lúc TV2 không để ý sẽ lấy trộm chìa khóa khay tiền để mang theo lúc đi tiếp quỹ tại cây ATM. Khi đã có chìa khóa máy ATM và chìa khóa khay tiền, Huy sẽ mở được máy ATM.
Hai là Huy biết mã số khóa két từng máy ATM. Huy biết mã số khóa két vì khi nhập máy về Huy là người nhận bàn giao và đi lắp đặt. Từ khi lắp đặt máy ATM, các máy đều đặt mã số khóa két là 40 - 60 - 40. Các lần đi tiếp qũy, Huy đứng phía sau Nga nên nhìn thấy cách Nga nhập mã số khóa két cũng như vậy.
Nhiều năm nay, qua nhiều người làm TV2 tiếp quỹ nhưng không thay đổi mã số khóa két này hoặc nếu có thay đổi mã số khóa két thì Huy đứng phía sau quan sát cũng biết được cách đặt mã số khóa két của TV2. Do đó, bằng nhiều cách Huy đều biết được mã số khóa két của từng máy ATM.
Bên cạnh đó, giấy niêm phong tại các khay đựng tiền rách khi mang về cơ quan cũng không ai để ý vì vết đứt nhỏ như sợi chỉ, phải để ý kỹ mới biết được. Tem niêm phong tại ổ khóa định vị do Huy là người cắm chìa khóa vào ổ khóa vặn trước rồi mới đến TV2 nhập mã số khóa két. Do đó, TV2 không biết hoặc không để ý đến tem niêm phong ổ khóa định vị bị rách.
Khi từ cơ quan đi, Huy sẽ lấy chìa khóa máy ATM và chìa khóa khay tiền đi. Tại cây ATM, Huy mở khóa buồng máy ra, rút dây camera, tắt thiết bị báo động, ngắt cầu dao điện để máy không truyền dữ liệu đi. Huy thực hiện các thao tác mở máy rồi rút khay tiền mệnh giá 500.000đ ra ngoài, dùng chìa khóa mở khay tiền lấy một lượng cho vào túi.
Sau đó, Huy khóa khay tiền lại cho vào két rồi khóa máy lại, khởi động máy hoạt động bình thường là xong. Khi về cơ quan, Huy trả lại chìa khóa vào hòm đựng chìa khóa của Thuần. Huy chỉ mở khay chứa tiền mệnh giá 500.000đ để trộm, các khay tiền mệnh giá khác gồm: 100.000đ, 50.000đ, 20.000đ thì Huy không mở.
Lần sau, Huy sẽ lấy tiền ở máy ATM khác với số lượng nhiều tiền hơn, một phần sẽ bù lại số tiền vào máy ATM đã lấy trộm từ trước, phần còn lại để tiêu xài. Cứ như thế Huy thực hiện trộm cắp tiền trong 5 máy ATM quay vòng nhau trong thời gian dài.
Phạm Quốc Huy và Nguyễn Thị Anh Thư kết hôn với nhau một thời gian dài mà không có con. Vì sợ bố mẹ hai bên lo lắng, vợ chồng Huy, Thư âm thầm vay tiền của nhiều người với mức lãi suất cao để đi chữa bệnh. Trong số đó có trường hợp của chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (trú tại Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương).
Tính đến cuối năm 2018, Huy và Thư đã vay của H là 1.050.000.000 đồng, lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày; vay của Nguyễn Thị Nga (SN 1960 ở Trần Phú- Hải Dương) từ năm 2017 nhiều lần với số tiền khác nhau, lần vay trước đã thanh toán xong sau đó vay tiền các lần khác. Tính đến cuối năm 2018, vợ chồng Thư đã vay của Nga khoảng 600 triệu.
Ngoài ra, anh Phạm Văn Hải (SN 1984 ở TP Hải Dương) đã đứng ra vay tiền của một số người cho vợ chồng Huy, Thư như vay của Bùi Như Trang 2 lần số tiền là 450 triệu, lãi suất 2.800đ/triệu/ngày; Vương Thị Yến (ở TP Hải Dương) số tiền 200 triệu đồng, lãi suất 1.500đ/triệu/ngày... Việc vay tiền trên, vợ chồng Huy, Thư giấu hoàn toàn bố mẹ hai bên.
Theo lời khai của vợ chồng Thư, Huy thì thời gian này, các khoản tiền gốc và lãi, thường xuyên bị thúc ép đòi nợ nên họ mất khả năng thanh toán. "Đói ăn vụng, túng làm liều" khoảng đầu tháng 11-2017, Huy đã nảy ý định trộm cắp tiền tại các cây ATM để trả nợ. Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, Huy đã trao đổi với Thư về việc này, nhưng Thư không can ngăn.
Sau đó, Thư còn tiếp tay cho chồng trong việc thực hiện hành vi phạm tội. Lần đầu tiên vào khoảng tháng 12-2017, Huy trộm 200 triệu đồng ở cây ATM mang về đưa cho Thư. Sau đó, Huy đã nhiều lần thực hiện hành vi trộm cắp tài sản với số tiền lên tới hơn 6 tỷ đồng, một phần cùng Thư trả nợ, phần khác dùng để tiêu xài.
Trong một thời gian dài, hành vi phạm tội của Huy không bị phát hiện là do đối tượng đã tiến hành bù tiền vào cây ATM đã lấy trước đó... Theo lời khai của Huy tại cơ quan Công an thì khi đến kỳ trả lương công nhân, Huy bàn với Thư tìm cách vay tiền để bù vào cây ATM.
dantri.com.vn