“Ngoại giao văn hóa sẽ góp phần quảng bá và thúc đẩy du lịch, hỗ trợ cho việc xóa đói giảm nghèo của địa phương, đồng thời phát triển kinh tế xã hội. Ngoại giao văn hóa phải hiểu theo 3 góc cạnh như vậy”, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu khẳng định.
Trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 đang diễn ra tại Hà Nội, ông Phạm Sanh Châu cho biết, ngoại giao văn hóa trở thành một bộ phận không thể thiếu và không thể tách rời của công tác đối ngoại Việt Nam.
Theo ông Phạm Sanh Châu, ngoại giao văn hóa nhằm vào những đối tượng: Thứ nhất là các nhà ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Thứ hai là những người nước ngoài nói chung ở Việt Nam. Thứ 3 là những Việt kiều ở nước ngoài. Và thứ tư là đông đảo người nước ngoài.
“Nhiệm vụ ngoại giao văn hóa lớn nhất là giúp cho người dân hiểu đúng và hiểu rõ về đất nước và con người Việt Nam, và ủng hộ Việt Nam. Ngoại giao văn hóa là chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước của Việt Nam. Đây là các hoạt động giới thiệu bản sắc riêng của đất nước và là một bộ phận tạo ra niềm tự hào dân tộc”, ông Phạm Sanh châu khẳng định.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu cũng nhấn mạnh, thông điệp quốc gia hay thương hiệu địa phương thường được gắn với hình ảnh du lịch quốc gia. Và ngoại giao văn hóa góp phần vào quá trình giới thiệu, thúc đẩy du lịch, cũng như hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của các địa phương, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội. Thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi, tiếp xúc đối ngoại, xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước, các địa phương có thể xác định được điểm mạnh, yếu của mình và định vị được hình ảnh mong muốn xây dựng trong tương lai.
Qua những chương trình, hoạt động cụ thể, ngoại giao văn hóa chuyển tải tới bạn bè quốc tế hình ảnh về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, cởi mở, một dân tộc Việt Nam anh dũng, bất khuất, nhân văn, một lịch sử hào hùng, một nền văn hóa đậm đà bản sắc, một quốc gia có nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên, nhiều phong cảnh đẹp.../.
vov.vn