Sáng 16-7, thí sinh (TS) tại TP HCM đã hoàn thành 2 môn thi đầu tiên trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là văn và ngoại ngữ. Kết thúc ngày thi thứ nhất, có 81.715 TS dự thi, vắng 544 TS, đạt tỉ lệ 99,33%. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, ngày thi thứ nhất diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Cấu trúc mới, nhiều chủ đề thời sự
Nhiều giáo viên (GV) cho rằng việc đặt chủ đề xuyên suốt là "Lắng nghe" trong cả đề thi đã gây nhiều bất ngờ. Thầy Lê Duy Tân, GV Trường THPT Gia Định, nhận định: Vấn đề đặt ra khá thú vị ở tất cả các phần trong đề thi, mang tính phân hóa cao, vừa sức với học sinh (HS). Đề thi vừa mang tính thời sự vừa khơi gợi cảm xúc; đáp ứng yêu cầu phân hóa TS. Ra đề thi theo một chủ đề là một đột phá mới trong ý tưởng, cho thấy nỗ lực làm mới mình của đội ngũ ra đề.
Ở câu đọc hiểu phân hóa theo 4 mức độ, vừa sức với HS. Vấn đề đặt ra ở câu d mang tính gợi mở cao, vấn đề đặt ra rất hay, đòi hỏi HS phải có những trải nghiệm cá nhân để nêu được quan điểm riêng.
Thí sinh thi xong môn văn tại Trường THPT Hùng Vương (TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH
ThS Nguyễn Thị Thu Hiền, GV Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, nhận định cấu trúc đề khá hợp lý, có đổi mới trong nội dung đề thi. Đề phản ánh các vấn đề thiết thực, nóng hổi trong đời sống xã hội khi đề cập đại dịch Covid-19, ATM gạo, cách đối xử của con người với thiên nhiên, sự lắng nghe và thấu hiểu, biết chia sẻ... Trong đó, đặc biệt buộc TS đưa ra ý tưởng, giải pháp để nhìn nhận thay đổi lối sống của bản thân. Từ đó có ứng xử nhân văn hơn đối với cộng đồng, con người, thiên nhiên, môi trường.
Không dễ viết đúng trọng tâm
Dù được đánh giá là đề thi gợi mở, thỏa sức cho HS sáng tạo, nhưng nhiều GV cho rằng sẽ khó có điểm cao môn văn nếu HS chỉ đơn thuần làm văn máy móc hoặc diễn đạt lan man, sáng tạo nhưng thiếu trọng tâm. ThS Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng băn khoăn về đề thi là ở câu nghị luận văn học có vẻ nghiêng về thể hiện cảm nhận và bàn luận về thông điệp cuộc sống hơn là những hiểu biết, khám phá về cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học. Nếu ở câu nghị luận văn học, HS chỉ tập trung vào trình bày nội dung, ý nghĩa của văn bản thì liệu những giá trị nghệ thuật của những đoạn thơ trên có bị bỏ qua?
"Đối với câu 2 với chủ đề "lắng nghe là một biểu hiện của yêu thương", theo tôi phạm vi nội dung để bàn luận quá rộng đối với HS lớp 9. Nhiều bài làm sẽ đi xa với trọng tâm của đề" - cô Hiền bày tỏ.
GV Thu Hiền cho rằng về nội dung câu nghị luận văn học khá mới mẻ và sinh động; phát huy được tính sáng tạo và kỹ năng vận dụng hiểu biết phong phú từ thực tế vào bài làm. Ngoài ra, TS phải ứng dụng nhuần nhuyễn kiến thức liên văn bản.
Cô Văn Trịnh Quỳnh An, GV Trường THPT Gia Định, cho biết để một chủ đề xuyên suốt cả đề thi là lắng nghe, đây là điều mới mẻ, song phù hợp với bối cảnh dạy và học hiện đại. Cấu trúc câu nghị luận xã hội có thay đổi, không đặt ra sự kiện nhưng vẫn mang tính gợi mở cao.
"Phải chăng lắng nghe là một biểu hiện của yêu thương", đây là một câu hỏi đơn giản nhưng sâu sắc, vừa phù hợp lứa tuổi vừa có độ phân hóa. Theo cô An, hiếm có đề thi nào bao quát được cả hai tiêu chí như trên. Với bối cảnh đại dịch Covid-19, HS phải nghỉ học gần 3 tháng, giải pháp cho HS được chọn mảng nghị luận văn học là hợp lý. Từ việc lắng nghe thông điệp, các đoạn thơ được chọn là những thông điệp khác nhau và có tính khái quát cao. Từ cá nhân, gia đình đến xã hội.
"Với chủ đề xuyên suốt, đề văn tạo ra sự gắn kết văn học với cuộc sống, cho ta thấy vai trò của văn học trong đời sống hiện đại. Đề không nặng kiến thức nhưng cái HS cần trang bị chính là kỹ năng. Đây là một đề thi đánh giá được năng lực. Tuy nhiên, TS phải có kỹ năng phân tích và nhận định đề tốt mới đạt điểm cao" - cô An cho biết.
Đề tiếng Anh không quá khó
Trong khi đó, với môn thi tiếng Anh, theo đánh giá của nhiều TS, đề thi tiếp tục có những câu hỏi vận dụng từ tình huống thực tế như luật giao thông... Tại điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn, TS Minh Hiền cho biết đề thi tiếng Anh dễ hơn năm ngoái. Tuy nhiên, có một số câu đánh đố, như từ vựng mới, ngữ pháp không mới nhưng phải vận dụng trong thực tế mới làm bài được.
nld.vn