Người Việt Odessa
Tin trong nước

Nga cần đến vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong ASEAN

Thứ tư, 08/11/2017 | 13:46
Trang mạng của Hãng thông tấn infox.ru (Nga) ngày 7/11 có bài viết cho biết vào tháng 6 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận lời mời của người đồng cấp Việt Nam Trần Đại Quang đến Đà Nẵng tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra trong tuần này.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang có cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin bên lề APEC 2016. Ảnh: TTXVN phát
 
Đây sẽ là chuyến thăm Việt Nam thứ tư của Tổng thống Putin, các chuyến thăm trước đó diễn ra vào các năm 2001, 2006 và 2013. Không có quá nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia Đông Á, có thể nhận được sự quan tâm nhiều đến vậy từ phía người đứng đầu nước Nga (còn chưa kể đến một chuyến thăm nữa của Tổng thống Nga vào năm 2010 là ông Dmitry Medvedev).
 
Moskva đã bắt đầu tích cực thúc đẩy chính sách hướng Đông vào nửa cuối của thập kỷ đầu tiên thế kỷ 21. Nếu như ở Đông Bắc Á, đối tác chiến lược chính của Nga là Trung Quốc thì ở Đông Nam Á, Việt Nam giữ vị trí này. Mối quan hệ đặc biệt giữa Moskva và Hà Nội được thiết lập vào năm 2012, khi đó mức độ hợp tác giữa hai nước đã đạt đến “đối tác chiến lược toàn diện”. Sau 3 năm, cũng chính Việt Nam lại là quốc gia đầu tiên ký Hiệp định về thành lập khu vực thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Và thoả thuận này đã có hiệu lực đúng 1 năm trước đây.
 
Về mức độ mối quan hệ với Việt Nam cũng được chứng minh bằng mối quan hệ giữa nhân dân hai nước. Theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu ý kiến xã hội toàn Nga (VTsIOM), người dân Nga biết nhiều nhất về Việt Nam trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo Giám đốc Trung tâm VTsIOM Valery Fedorov, Việt Nam là “quốc gia đi đầu không phải bàn cãi” trong số các quốc gia ASEAN mà công dân Nga biết tới. Theo ông Fedorov, để đưa ra nhận định kể trên, Trung tâm VTsIOM đã đánh giá tới tất cả các yếu tố như du lịch, hàng hoá, văn hoá, mối liên hệ giữa con người và vai trò chính trị trên thế giới. Theo nghiên cứu của Pew Research Center, 83% người dân Việt Nam có tình cảm với nước Nga. Đây là mức cao nhất trong số các quốc gia trên toàn thế giới.
 
Tuy nhiên, nếu các mối quan hệ chính trị và nhân đạo giữa Việt Nam và Nga đang ở mức độ rất cao thì hợp tác kinh tế lại không đáp ứng được mong đợi của Hà Nội và Moskva, và điều này đã được lãnh đạo hai nước nhiều lần nhắc tới. Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Igor Shuvalov cho biết trong tháng 9 vừa qua: “Không thể giải thích cho mức độ ảnh hưởng lẫn nhau mà mối quan hệ hai nước có được bằng những con số kim ngạch thương mại song phương khiêm tốn. Đây rõ ràng là từ các dự án hợp tác chung trong các lĩnh vực truyền thống bao gồm năng lượng và giáo dục”. Tuy nhiên, cả hai nước đều nhận thức được rằng cần phát triển hơn nữa mối quan hệ kinh tế. Vào tháng 6, trong khuôn khổ chuyến thăm Nga, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tuyên bố về hơn 20 chương trình đầu tư chung với tổng trị giá khoảng 10 tỷ USD.
 
Trong bối cảnh áp lực của các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và các quốc gia châu Âu, Moskva buộc phải tăng cường chính sách kinh tế hướng Đông của mình. Và cầu nối cho sự hợp tác kinh tế của Nga với các quốc gia Đông Nam Á chính là Việt Nam. Và các quan chức Việt Nam cũng đã nhiều lần khẳng định Hà Nội hoàn toàn đồng ý đóng một vai trò như vậy.
 
Điều này là hoàn toàn có khả năng bởi vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong khối ASEAN. Sau khi Việt Nam gia nhập vào Hiệp hội năm 1995, Hà Nội đã từng bước nắm vị trí đi đầu trong sự phát triển chính trị của ASEAN. Đồng thời, Việt Nam cũng nỗ lực để đưa Moskva tham gia tất cả các cơ chế của Hiệp hội khu vực này khi mời Nga có vai trò chính tị tích cực hơn ở Đông Nam Á, thậm chí cả khi Nga còn chưa sẵn sàng thúc đẩy vị thế của mình ở Đông Á vì các điều kiện khách quan. Trong vòng hơn 20 năm giữ vị thế chủ động, Hà Nội đã đạt được một trong những vị trí chính trị đi đầu trong tổ chức này.
 
Nhưng điều đặc biệt quan trọng lại là bước đột phá về kinh tế. Trước hết, trong quá trình thực hiện chính sách “Đổi mới”, tròn 30 năm vào năm ngoái, Việt Nam duy trì tăng trưởng GDP trung bình ở mức cao hơn 6%/năm, đã chuyển từ một nước nghèo thành một lực lượng kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á. Đồng thời, Việt Nam cũng theo đuổi chính sách hội nhập kinh tế trong hệ thống khu vực. Hiện các quốc gia ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Nếu trước đây, Việt Nam gần như không xuất khẩu vốn thì bây giờ, đầu tư từ quốc gia này sang các quốc gia khác của Hiệp hội đã đạt một mức độ đáng kể. Đặc biệt, thị trường Việt Nam đang hoạt động tích cực ở các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Myanmar. Có thể nói, vai trò của Việt Nam với tư cách là cầu thủ chính trị và một nền kinh tế đang phát triển đã gia tăng đáng kể trên thế giới trong vài thập kỷ gần đây.
 
Quang Vinh (P/v TTXVN tại Nga)

Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN