Không mua sắm đắt tiền, giảm mạnh chi lễ hội
Ông Nguyễn Đức Hải nêu rõ: "Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ năm 2018 chỉ bố trí mua ôtô theo chức danh từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên, khi thật sự cần thiết phải bổ sung các chức danh còn lại đang được bố trí xe đưa đón sẽ nghiên cứu, tiến tới thực hiện khoán chi".
Kèm theo đó, Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đề nghị không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền; giảm mạnh chi cho hội nghị, hội thảo, lễ hội.
Đồng thời không bố trí ngân sách để khởi công, khánh thành các công trình, chi cho hoạt động không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Không ban hành chính sách mới khi không có nguồn lực bảo đảm.
Tăng lương kèm giảm biên chế
Đối với chi cải cách tiền lương, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức lương cơ sở trên 7% theo nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, đề nghị việc điều chỉnh tiền lương phải gắn liền với việc phân bổ chi trên tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại bộ máy, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công.
Đồng thời đề nghị Chính phủ đánh giá việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công gắn với việc cắt giảm chi thường xuyên ngân sách nhà nước và giao dự toán phải đi đôi với giao biên chế hàng năm.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị căn cứ lộ trình tăng mức lương cơ sở khoảng 7% hằng năm từ nay đến năm 2020, đề nghị Quốc hội cho phép một số địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương trên cơ sở cam kết bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình, được sử dụng 50% số dư từ nguồn cải cách tiền lương của địa phương để bổ sung vốn đầu tư phát triển.
"Vì qua giám sát cho thấy nguồn cải cách tiền lương của một số địa phương còn dư khá lớn sau khi đã bố trí đủ thực hiện tăng lương theo quy định và một số chính sách, chế độ chi do trung ương ban hành nhưng không được sử dụng, gây lãng phí trong khi vốn đi vay rất khó khăn và mức bội chi bị khống chế thấp hơn so với nhu cầu vay vốn" - ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Không áp đặt mức chi cho giáo dục và khoa học công nghệ
Để tạo sự chủ động, linh hoạt và phù hợp với thực tế, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị đối với các tỉnh có điều tiết về ngân sách trung ương, đối với lĩnh vực chi cho giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ có thể xem xét, giao cho địa phương có quyền quyết định mức đầu tư hằng năm, không bắt buộc tỉ lệ "cứng" (20% tổng chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo, 2% tổng chi ngân sách cho khoa học - công nghệ).
"Việc quy định như trên sẽ bảo đảm định hướng đề ra của Đảng và Nhà nước, đồng thời vẫn tạo sự tự chủ cho các địa phương trong công tác quản lý, điều hành, không bị giới hạn theo từng năm, phù hợp với thực tế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương theo từng thời kỳ, không để lãng phí nguồn lực" - ông Nguyễn Đức Hải nói.