Trong vụ án hình sự Tàng trữ trái phép chất ma tuý và Vu khống mà Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.Hà Nội vừa chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 2 bị can, 1 trong 2 người thời điểm xảy ra vụ việc đang là cán bộ Công an thuộc Bộ Công an.
Cụ thể, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đề nghị truy tố Nguyễn Thị Vân (SN 1982, Tây Hồ, TP.Hà Nội) và Nguyễn Thị Vững (SN 1978, Tây Hồ, TP.Hà Nội) về tội Tàng trữ trái phép chất ma tuý và Vu khống, quy định tại khoản 2, Điều 249 và khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự.
Lúc sự việc xảy ra, Vững là Thượng úy công tác tại Cục Cảnh sát phòng chống buôn lậu Bộ Công an.
Trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án ngày 10/4/2019 của Toà án nhân dân quận Nam Từ Liêm, chỉ có 1 bị cáo là Vân, bà Vững lại là người làm chứng.
Tại toà sơ thẩm, Vân khai tất cả đều do bà Vững chỉ đạo, Vân không biết gì hết. Tuy nhiên, trái lại với lời khai của Vân trước toà, cựu Thượng uý Công an Nguyễn Thị Vững nói Vân bịa đặt.
“Trong quá trình bị cáo Vân vừa khai chỉ một số thông tin chính xác, còn lại là bịa đặt, tôi có căn cứ bịa đặt, như thế là vu khống tôi” – Vững nói.
Tại phiên toà sơ thẩm do Toà án nhân dân quận Nam Từ Liêm xét xử ngày 10/4/2019, Vững chỉ là người làm chứng trong vụ án ném ma tuý vào ô tô người tình.
Tại toà hôm đó, bà Vững có những lời nói bất nhất với lời khai tại cơ quan điều tra trước đó. Hội đồng xét xử cũng nhận thấy và phản bác với bà này.
Bà Vững trả lời nói không báo thông tin cho công an để bắt ông Thiện, không gọi điện cho ai, việc kiểm tra xe ô tô của ông Thiện chỉ là cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất.
Tuy nhiên, khi chủ toạ phiên toà nói lời khai của bà Vững trước cơ quan điều tra khác, danh sách các cuộc điện thoại bà này thực hiện cũng được cơ quan điều tra thu thập.
Các bằng chứng khẳng định, bà Vững là người báo cho cơ quan công an để kiểm tra xe ông Thiện. Trước diễn biến này, bà Vững im lặng.
Trả lời câu hỏi của toà về việc bỏ ma tuý vào ô tô, bà này nói chỉ biết sau khi Vân gọi lúc bị bắt thì xin cho Vân tại ngoại.
Về các ghi âm mà Vân nộp cho cơ quan chức năng và được nghe tại toà cuộc nói chuyện giữa Vân và Vững, bà Vững nói không nghe rõ và không phải giọng mình. Nhận thấy các lời khai mâu thuẫn, toà sơ thẩm trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại.
Phiên sơ thẩm chỉ có 1 mình Vân là bị cáo.
Về diễn biến điều tra, nhà chức trách đã nhiều lần trả hồ sơ về cho Công an quận Nam Từ Liêm để làm rõ các thông tin liên quan trong vụ án.
Cụ thể, ngày 24/8/2018, Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm đã hoàn thành bản kết luận điều tra số 265. Hơn 1 tháng sau, ngày 25/9/2018, Viện kiểm sát nhân dân quận Nam Từ Liêm đã quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Ngày 25/10/2018, Công an quận Nam Từ Liêm hoàn thành bản kết luận điều tra bổ sung số 05. Ngày 10/4/2019, Toà án nhân dân quận Nam Từ Liêm quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án.
Ngày 24/4/2019, Viện kiểm sát Nhân dân quận Nam Từ Liêm tiếp tục có quyết định số 14, trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Như vậy, đến thời điểm phiên toà sơ thẩm ngày 10/4/2019 diễn ra tại Toà án nhân dân quận Nam Từ Liêm, trong các kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm, bị cáo vẫn chỉ có 1 là Nguyễn Thị Vân.
Nguyễn Thị Vững mặc dù là đồng phạm, tuy nhiên, thời điểm này là người làm chứng. Khi ra đến toà, thấy mâu thuẫn, Toà đã trả hồ sơ để điều tra làm rõ.
Sau 2 ngày Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trả hồ sơ, ngày 26/4/2019, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm đã có Quyết định số 01 về việc Huỷ bỏ Quyết định tách tài liệu số 18 ngày 24/8/2018.
Cùng ngày, Viện kiểm sát nhân dân quận Nam Từ Liêm quyết định chuyển vụ án hình sự số 16 tới Công an TP.Hà Nội.
18 ngày sau khi vụ án được chuyển lên Công an TP.Hà Nội, Nguyễn Thị Vững đã bị khởi tố bị can về 2 tội Tàng trữ trái phép chất ma tuý và Vu khống, không còn là người làm chứng như trước đó.
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối cho biết có thể nhìn nhận dưới 2 góc độ, nếu trường hợp công an quận Nam Từ Liêm do việc yếu kém nghiệp vụ, đối tượng quá tinh vi, xảo quyệt, che dấu hết chứng cứ thì có thể thông cảm.
Nạn nhân của vụ việc là Nguyễn Văn Thiện (người phía sau, 44 tuổi, Tây Hồ, TP.Hà Nội, người tình của Vân).
“Rõ ràng sau khi được giải oan thì người chồng mới đi thu thập chứng cứ, bằng những nguồn riêng của mình, không ai có thể tiếp cận được, lúc này sự thật mới sáng tỏ. Trường hợp này cũng không thể trách Công an Nam Từ Liêm được” – luật sư Hùng nói.
Về góc độ thứ 2, theo vị luật sư này, nếu có đầy đủ chứng cứ, hồ sơ, nhưng cơ quan điều tra - Công an quận Nam Từ Liêm vẫn cố tình bỏ qua thì có thể quy kết trách nhiệm về hành vi không khởi tố bị can, bỏ lọt tội phạm (tội xâm phạm hoạt động tư pháp).
“Đương nhiên, dù ở góc độ nào, tùy vào tính chất, mức độ, đánh giá cụ thể vẫn phải xem xét trách nhiệm của cán bộ điều tra - Công an quận Nam Từ Liêm” – vị Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối nêu quan điểm.
Ở một diễn biến khác, trong phiên toà sơ thẩm, Vân khai “Tôi có bằng chứng chứng minh việc tôi bị cơ quan điều tra yêu cầu đưa đĩa khống, ký tên vào, ngày giờ có. Tôi có tin nhắn chứng minh”, ngay sau đó, tại toà, Vân đã nộp những chứng cứ mới của mình.
Trong bản kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội mới đây, đơn vị này nêu rõ: “Quá trình điều tra, Nguyễn Thị Vân trình bày tại cơ quan điều tra Công an TP về việc điều tra viên Trần T.A thuọc Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm đã có hành vi tiêu cực trong quá trình giải quyết vụ án… Đối với nội dung này, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đang tiếp tục xác minh theo quy định của pháp luật”.
danviet.vn