Nội dung này đã được Quốc hội thống nhất trong phiên biểu quyết thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chiều 25/11.
Cụ thể, đây là quy định tại Khoản 7 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12 luật hiện hành về trường hợp miễn thị thực cho người nước ngoài đến Việt Nam.
Theo đó, ngoài những trường hợp đang áp dụng, luật này mở rộng diện miễn thị thực với những người nước ngoài khi “vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam”.
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của UB Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, bên cạnh những ý kiến nhất trí với nội dung này cũng có một số đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ, bổ sung các điều kiện về khu kinh tế ven biển cho đầy đủ và không để ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này vì cho rằng với bờ biển dài sẽ khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Có ý kiến đề nghị không miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển, cân nhắc các quy định liên quan đến “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”.
UB Thường vụ Quốc hội nhận định, việc bổ sung trường hợp người nước ngoài được miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ khi đáp ứng các điều kiện về sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, cách biệt lãnh thổ với bên ngoài là bảo đảm chặt chẽ.
Các khu kinh tế ven biển trong đất liền trải dài theo chiều dọc của đất nước không đủ điều kiện để áp dụng quy định này.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh, việc bổ sung quy định trên là cần thiết, vừa tạo thuận lợi cho người nước ngoài vào đầu tư, hoạt động tại khu kinh tế ven biển đủ điều điện để phát triển khu vực này, vừa bảo đảm chặt chẽ về công tác quản lý nhà nước và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Việc sử dụng cụm từ “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” trong luật này cũng thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Cũng liên quan đến quy định về miễn thị thực, báo cáo giải trình, tiếp thu của UB Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, nhiều đại biểu nhất trí về việc bổ sung điều kiện để quyết định đơn phương miễn thị thực cho công dân của một nước là: “Có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam”. Lý do, quy định này sẽ bảo đảm nguyên tắc có đi có lại và để các nước tạo điều kiện cho công dân Việt Nam. Đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định trong trường hợp nước bạn có quy định khác không bình đẳng đối với công dân Việt Nam.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về đơn phương miễn thị thực và tùy tình hình trong từng giai đoạn để áp dụng cho phù hợp và cần vận động các nước đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam theo nguyên tắc có đi có lại.
Ý kiến khác lại muốn giữ nguyên quy định về đơn phương miễn thị thực hiện hành vì cho rằng nếu bổ sung như dự thảo luật là phải chờ nước khác tạo điều kiện cho công dân Việt Nam trước, sau đó Việt Nam mới đơn phương miễn thị thực cho công dân nước họ.
UB Thường vụ Quốc hội lập luận, hiện nay Việt Nam đang đơn phương miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia và có 7 quốc gia đơn phương miễn thị thực có điều kiện cho công dân Việt Nam. Nếu bổ sung điều kiện làm thu hẹp diện các nước đang được đơn phương miễn thị thực khó bảo đảm tính khả thi và ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với nước bị thu hẹp.
Với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thì không nên thu hẹp diện các nước được đơn phương miễn thị thực.
Hơn nữa, khi Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh thì công dân Việt Nam cũng sẽ được các nước tạo điều kiện thuận lợi hơn khi họ xuất cảnh ra nước ngoài.
Do đó, UB Thường vụ Quốc hội thống nhất không bổ sung điều kiện bắt buộc nước khác phải có chính sách tạo điều kiện hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam trước, mà đề nghị giữ nguyên quy định về đơn phương miễn thị thực hiện nay, loại bỏ đề xuất mà Chính phủ trình.
Toàn bộ dự thảo luật được Quốc hội thông qua với tỷ lệ ủng hộ rất cao. 404 trong tổng số 446 tham gia bỏ phiếu tán thành (tương đương 83,64% tổng số đại biểu Quốc hội). Có 26 đại biểu, tương đương 5,38% tổng số đại biểu Quốc hội không tán thành.
dantri.com.vn