Sáng 11-6, Quốc hội (QH) đã biểu quyết điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là luật đặc khu), đến tháng 10-2018.
Kết quả, có 423/432 đại biểu (ĐB) QH (chiếm 85,63%) tán thành việc điều chỉnh chương trình. Có tám ĐBQH không tán thành và một ĐB không biểu quyết.
Tiếp thu nghiêm túc ý kiến nhân dân và chuyên gia
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định đã đọc tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH về việc điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Theo ông Nguyễn Khắc Định, dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được Chính phủ trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2017), sau đó đã được tiếp thu, chỉnh lý để trình QH tại kỳ họp này. Kết quả tổng hợp ý kiến các vị ĐBQH phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường cũng như góp ý bằng văn bản về dự án luật cho thấy đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật và cho rằng dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý nghiêm túc, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, bảo đảm phù hợp với hiến pháp.
Tuy nhiên, theo ông Định, đây là dự án luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; nhiều quy định về cơ chế, chính sách trong dự thảo luật mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Cạnh đó, ý kiến của ĐBQH, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của dự án luật còn khác nhau.
“Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ QH đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý quy định của dự thảo luật về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm” - ông Định cho biết.
Đồng thời Ủy ban Thường vụ QH thống nhất với Chính phủ, đề nghị QH cho điều chỉnh thời gian thông qua dự án luật này sang kỳ họp cuối năm (tháng 10-2018) để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp, bảo đảm xây dựng thành công ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
“Bài học lớn”
Bình luận sau đó, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng quyết định của Chính phủ, QH là kịp thời, đáp ứng mong muốn của người dân về việc các bộ luật được xây dựng trên cơ sở tham khảo các ý kiến của người dân.
“Tôi nghĩ rằng bài học lớn trong việc này, chắc chắn quá trình xây dựng luật chúng ta vẫn còn chưa lấy được hết ý kiến của người dân, chưa kịp thời, nhanh chóng, đặc biệt là những tổ chức nghề nghiệp hay của các chuyên gia nên đến phút cuối cùng mới tạo thành những bức xúc không đáng có” - ông Quốc nói.
Trao đổi với báo chí, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho biết bản thân bà đã tiếp nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến luật này. “Việc QH xem xét và đã lùi thời hạn thông qua Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt với sự nhất trí rất cao (trên 80%), thể hiện các ĐBQH cũng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân...” - bà Hải nói và cho biết sau khi bấm nút biểu quyết cho ý kiến việc lùi thời gian thông qua dự án luật này vào đầu giờ họp buổi sáng, ngay giờ giải lao (lúc 9 giờ 30), bà đã nhận được rất nhiều tin nhắn của cử tri bày tỏ sự thống nhất, đồng tình và đánh giá cao các ĐBQH và QH đã lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Lùi dự luật đặc khu là “quyết định sáng suốt”
ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH, chỉ rõ trong dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc có những vấn đề, chính sách lớn còn nhiều ý kiến khác nhau mà chưa “giải mã” được để người dân, các ĐBQH cảm thấy yên tâm. Vì vậy, việc lùi thời hạn thông qua dự án luật này là quyết định sáng suốt của Chính phủ, QH. Việc này thể hiện trách nhiệm của các ĐBQH với cử tri và nhân dân cả nước. Về các vụ việc xảy ra tại một số địa phương trong thời gian qua khi người dân bày tỏ ý kiến của mình nhưng lại ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, ĐB Nguyễn Mai Bộ cho rằng cơ chế pháp lý để nhân dân bày tỏ quan điểm có rất nhiều.
ĐB nhấn mạnh đóng góp ý kiến xây dựng luật là một hình thức tham gia quản lý nhà nước, là một trong những quyền của công dân. Tuy nhiên, không phải đóng góp ý kiến theo kiểu đi đập phá tài sản mà chính chúng ta bỏ tiền ra mua. Các cơ quan có thẩm quyền cần tổ chức nhiều cuộc gặp mặt, tiếp xúc để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến hiệu quả hơn, không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc.
Theo plo.vn