Người Việt Odessa
Tin trong nước

“Lờ” luật pháp, ngang nhiên phá hoại di tích

Thứ tư, 21/03/2018 | 02:45
Phát triển du lịch luôn gắn với việc bảo tồn và phát huy những gía trị cơ bản của văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, gần đây, việc bảo tồn, phát triển các khu di tích, danh lam thắng cảnh đang là vấn đề “nóng” đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng ở đâu khi liên tục để các di tích, danh thắng bị xâm hại nghiêm trọng.

 

Một công trình “khủng”, ngang nhiên được xây dựng giữa vùng lõi của di sản là điều khó tin nhưng có thật. Càng khó tin hơn nữa khi lãnh đạo địa phương ngoài việc thừa nhận công tác quản lý thiếu sát sao, chưa thường xuyên và có những lúc còn buông lỏng còn cho biết là... “khó xử lý” dù biết việc xây dựng là trái phép.

Doanh nghiệp coi thường pháp luật

“Lờ” luật pháp, ngang nhiên phá hoại di tích

Con đường dài 1km được xây dựng kiên cố dẫn vào vùng lõi di sản Tràng An. Ảnh: L.C

Phải chăng đồng tiền đã làm mờ mắt của một bộ phận cán bộ đã “làm ngơ” cho doanh nghiệp không chỉ coi thường luật pháp mà còn bất chấp những quy định nghiêm ngặt của Luật Di sản? Hành vi ngang nhiên thách thức dư luận của Công ty CP Du lịch Tràng An và sự tắc trách của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ, gìn giữ danh thắng Tràng An cần được xử lý nghiêm.

Cách thủ đô Hà Nội hơn 90km về phía Nam, khu du lịch sinh thái Tràng An - nằm trong quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây lưu giữ những giá trị nổi bật toàn cầu về kiến tạo địa chất, địa mạo, khảo cổ và thẩm mỹ. Đó cũng là điểm độc đáo mà UNESCO đã công nhận quần thể danh thắng Tràng An là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Ngày 4.2.2016, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch  xây dựng quần thể danh thắng Tràng An có diện tích đất tự nhiên 12.252ha, thuộc các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, TP.Ninh Bình và thị xã Tam Điệp. Trong đó, khu di sản quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.226ha, vùng đệm bao quanh khu di sản có diện tích 6.026ha.

Định hướng phát triển không gian quần thể gồm 4 phần: Khu di sản quần thể danh thắng Tràng An; vùng đệm (vùng bảo vệ); các khu dân cư; khu dịch vụ du lịch. Theo đó, khu di sản quần thể danh thắng Tràng An được phân thành các vùng cấm (bao gồm các khu vực cảnh quan thiên nhiên, các khu di tích cần bảo vệ nghiêm ngặt). Vùng hạn chế xây dựng gồm các khu vực dành cho phát triển du lịch, các khu vực làng xã có dân cư sinh sống và cảnh quan nông nghiệp xung quanh.

Như vậy, theo Luật Di sản cũng như nằm trong quy hoạch chung, quần thể danh thắng Tràng An là vùng cấm và sẽ được kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt. Trong quá trình trùng tu, tôn tạo, phải giữ nguyên hiện trạng, nghiêm cấm mọi hành vi xây dựng công trình trong phạm vi di sản.

Những người yêu di sản không thể ngồi yên khi  đầu năm 2018, bỗng dưng một công trình đồ sộ, được xây dựng kiên cố với chiều dài hơn 1km bao gồm: Cổng và hơn 2.000 bậc thang, đường lên núi Cái Hạ chạy thẳng vào “lõi” di sản thiên nhiên Tràng An. Đây là hành vi vi phạm hết sức nghiêm trọng theo Điều 13 của Luật Di sản mà Công ty Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc tự ý xây dựng. Hành động này khiến cho dư luận đặt câu hỏi ai là người có đủ thẩm quyền cho phép Công ty Du lịch Tràng An xây dựng trái phép? Ai đã “chống lưng” doanh nghiệp, bất chấp những rào cản từ các cơ quan chức năng ở địa phương, ngang nhiên đưa công trình mới xây dựng trái phép vào khai thác sử dụng?

Được biết, công trình không có hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng, nhưng Công ty Du lịch Tràng An vẫn ngang nhiên tự ý thực hiện từ giữa tháng 8 năm 2017, đến khi đi vào khai thác sử dụng đầu năm 2018 thì thanh tra Bộ VHTTDL mới vào cuộc.

Cơ quan quản lý buông lỏng trách nhiệm

Khi Tràng An được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, Bộ VHTTDL cùng UBND tỉnh Ninh Bình đã có nhiều biện pháp bảo vệ và khai thác - phát triển du lịch, bởi quần thể danh thắng Tràng An là vùng cấm, phải giữ nguyên hiện trạng, nghiêm cấm hành vi xây dựng trong phạm vi hành lang di sản.

Theo quy định của luật pháp, quần thể danh thắng Tràng An được phân cấp cho UBND tỉnh Ninh Bình quản lý. Tuy nhiên, tỉnh lại giao Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An thuộc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình trực tiếp quản lý, điều hành. Song không hiểu vì sao, UBND tỉnh Ninh Bình lại có Quyết định số 83 về quy định tạm thời việc quản lý trật tự xây dựng trong quần thể danh thắng Tràng An cho UBND huyện Hoa Lư.

Một công trình “khủng” mọc lên giữa vùng lõi của Di sản đã gây bức xúc trong dư luận, nhất là những nhà quản lý, các nhà khoa học...  Theo ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết, ngay khi sự việc xảy ra, Thanh tra Bộ, Cục Di sản đã về kiểm tra, làm việc trực tiếp với Sở Du lịch, Sở VHTT Ninh Bình, UBND huyện Hoa Lư tại điểm vi phạm. Ông Phạm Xuân Phúc khẳng định: “Việc Công ty Du lịch Tràng An tự ý xây dựng dựng công trình đường lên núi Cái Hạ là vi phạm hết sức nghiêm trọng Điều 13 của Luật Di sản. Căn cứ quy định của pháp luật, chúng tôi yêu cầu Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình được UBND Ninh Bình giao quản lý quần thể danh thắng Tràng An phối hợp với các đơn vị liên quan, có biện pháp tháo dỡ khẩn trương công trình trái phép, trả lại nguyên trạng vùng lõi di tích vì đây là di sản thế giới được UNESCO vinh danh”.

Cũng theo Sở Du lịch Ninh Bình, các vi phạm trên là nghiêm trọng, vi phạm Quyết định 230 ngày 4.2.2016 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung quần thể danh thắng Tràng An; Quyết định 1261 ngày 16.11.2015 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt kế hoạch quản lý di sản văn hóa thiên nhiên thế giới và quần thể danh thắng Tràng An. Sở Du lịch có 4 văn bản gửi cho huyện Hoa Lư đề nghị có biện pháp ngăn chặn việc xây dựng trái phép này nhưng UBND huyện Hoa Lư không hề có bất kỳ văn bản nào phản hồi.

Thiếu trách nhiệm hay cố ý làm ngơ?

Khi được hỏi, một công trình đồ sộ như vậy được thi công ngày đêm với hàng trăm tấn vật tư, máy móc mà không có biện pháp xử lý, hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền để ngăn chặn kịp thời, thì bà Nguyễn Thị Cúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư thừa nhận trước thanh tra Bộ VHTTDL: “Công tác quản lý của UBND huyện là thiếu sát sao, chưa thường xuyên và có những lúc còn buông lỏng”. Lãnh đạo huyện Hoa Lư cũng phân bua “khó xử lý” dù biết việc xây dựng đó trái phép và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể di tích, danh thắng.
Qua kiểm tra đoàn thanh tra của Bộ còn phát hiện Công ty CP Du lịch Tràng An là đơn vị có nhiều sai phạm trong việc sử dụng hướng dẫn viên không có thẻ hành nghề; đội ngũ lái đò chưa được tập huấn, tiềm ẩn nguy cơ làm ảnh hưởng tới khách du lịch; tự ý phát hành vé thu phí của khách khi chưa được phép của cơ quan thẩm quyền; tự ý phát hành - nhân bản các đĩa DVD tuyên truyền quảng cáo tới khách du lịch nhưng nội dung đĩa chưa được cơ quan thẩm định cho phép.
Theo quy định của pháp luật, cụ thể căn cứ Nghị định 158, Điều 13 của Luật Di sản sẽ bị xử phạt vi phạm đối với cá nhân từ 30 - 40 triệu đồng. Đối với tổ chức có thể tới 80 triệu đồng.

danviet.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN