Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QÐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Quy định này được kỳ vọng sẽ tác động mạnh đến công tác luân chuyển cán bộ, ngăn chặn biểu hiện tiêu cực “chạy luân chuyển” ở một số địa phương thời gian qua gây bức xúc dư luận. PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Mai Sỹ Diến, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, về những quy định mới nhằm ngăn chặn việc chạy chức, chạy quyền.
ĐBQH Mai Sỹ Diến. (Ảnh: Quochoi.vn). |
PV: Với quy định lần này của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, ông đánh giá thế nào về quyết tâm của Đảng trong việc loại bỏ các hiện tượng tiêu cực, biểu hiện “suy thoái” của một bộ phận cán bộ thời gian qua?
ĐBQH Mai Sỹ Diến: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt”. Trong thời gian qua, có nhiều quy định của Đảng được ban hành, tổ chức học tập trong toàn Đảng và triển khai thực hiện cũng rất bài bản; nhưng có không ít cán bộ có chức, có quyền đã lợi dụng chủ trương này để tiêu cực, tham nhũng, vụ lợi, lợi ích nhóm, cục bộ, đưa người nhà, người thân vào bộ máy.
Những hiện tượng này đang làm bất bình trong cán bộ, Đảng viên, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm giàu bất chính cho một bộ phận cán bộ có chức, có quyền trong công tác bổ nhiệm cán bộ.
Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Quy định số 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ trên cơ sở vừa cụ thể hóa, vừa siết lại các quy định còn chung chung, dễ bị lợi dụng để làm trái trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 (Bộ Chính trị- khóa IX) “về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý”. Đây là một việc làm kịp thời, tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái ở một bộ phận cán bộ trong công tác cán bộ của hệ thống chính trị.
PV: Quan điểm của ông thế nào về nội dung “không điều động về Trung ương, địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu” tại Quy định này?
ĐBQH Mai Sỹ Diến: Không phải chỉ quy định lần này mới nêu, mà Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị- khóa IX “về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý” cũng đã quy định: “Không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương, đơn vị khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển”, đây là một chủ trương đúng đắn.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, một số cán bộ vì tư lợi, lợi ích nhóm đã lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, biến ý đồ cá nhân thành việc quyết định của tập thể về công tác cán bộ, thực hiện luân chuyển cán bộ thuộc diện mình phụ trách, làm méo mó, sai lệch chủ trương; đó là một trong những biểu hiện “suy thoái” mà Đảng ta đã chỉ ra.
Theo tôi, việc cụ thể hóa như Quy định 98 của Bộ Chính trị khóa XII là rất cần thiết; tuy nhiên, muốn làm đúng, làm trúng, muốn không lặp lại những khuyết điểm, vi phạm của cán bộ trong việc triển khai tổ chức thực hiện như vừa qua, rất cần triển khai đồng bộ các giải pháp, đó là: Triển khai thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch Quy định 98 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ; thực hiện ráo riết để đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái, nhất là biểu hiện suy thoái trong công tác cán bộ và công tác luân chuyển cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh hơn nữa những khuyết điểm, vi phạm.
PV: Thực tế, không ít cán bộ mắc sai phạm nhưng được điều động, luân chuyển sang đảm nhận vị trí mới gây bức xúc dư luận, ví dụ như vụ việc của Trịnh Xuân Thanh. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến công tác quản lý Nhà nước nói chung và công tác cán bộ nói riêng?
ĐBQH Mai Sỹ Diến: Cử tri đã bức xúc phản ánh, báo chí đã đi đến cùng từng sự việc, nhưng trường hợp như Trịnh Xuân Thanh mới là phần nổi của tảng băng chìm. Chỉ mới chừng ấy thôi nhưng cũng đã thấy rõ lỗ hổng trong công tác luân chuyển cán bộ của một số bộ, ngành và địa phương, là một bài học không ai muốn nhớ, nhưng cũng không ai có thể quên được.
Cán bộ có khuyết điểm, vi phạm được bao che, tác động, cất nhắc, nâng đỡ để được bổ nhiệm ở vị trí mới, vị trí cao hơn sẽ làm bất bình trong nhân dân.
PV: Thưa ông, tiếng nói của người đứng đầu rất quan trọng, nhưng hiệu quả thực hiện lại không chỉ phụ thuộc vào một cá nhân. Vậy theo ông, cần phải lưu ý những yếu tố nào?
ĐBQH Mai Sỹ Diến: Trước hết là phải thực hiện nghiêm chủ trương bố trí một số vị trí theo quy định không phải là người địa phương để hạn chế việc tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích.
Thứ hai là phải có quy định cụ thể để kiểm soát quyền lực, nhất là quyền hạn trong giới thiệu, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ quản lý, không để lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng quyền lực, tiêu cực trong công tác luân chuyển cán bộ.
Thứ ba là việc giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm cán bộ phải có đầy đủ tiêu chuẩn cán bộ quản lý và tư chất của người đứng đầu địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị theo quy định; ngăn chặn việc chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, kể cả việc chạy tội.
Thứ tư là, phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống sai phạm, tiêu cực trong công tác luân chuyển cán bộ; giúp cho các cấp có thẩm quyền sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.
Cuối cùng tôi tin rằng, quyết tâm của Đảng sẽ là liều thuốc dã tật, giúp cán bộ có chức, có quyền chiến thắng bản thân, hạn chế khuyết điểm, vi phạm, giữ cho cán bộ, đảng viên đừng mắc vào vòng danh lợi, rộng đường rèn đức, luyện tài, công tác luân chuyển cán bộ thời gian tới sẽ đạt kết quả tốt.
nguoiduatin.vn