Gần đây nhất, ngày 14/9, trên mạng xã hội xuất hiện 1 clip chồng bạo hành vợ tại Tây Ninh. Trong clip, Linh đã liên tục dùng tay tát vào mặt và dìm đầu vợ xuống hồ nước. Người vợ sau đó đã phải vào viện cấp cứu. Đây không phải là lần đầu tiên người vợ này bị chồng bạo hành. Tại cơ quan công an, Linh thừa nhận đánh vợ là do ghen tuông.
Người đàn ông bóp cổ dìm vợ xuống hồ bơi gia đình - Ảnh cắt ra từ clip
Tại Hà Nội, cuối tháng 8, một tài khoản mạng xã hội đăng tải clip cảnh người chồng đấm đá và vả liên tục vào mặt vợ mình, bất chấp việc vợ đang bế con nhỏ 2 tháng tuổi và bé lớn 6 tuổi chứng kiến bố đánh mẹ từ đầu đến cuối. Lý do là người vợ chuyển tivi vào phòng con trai lớn mà không hỏi ý kiến. Qua xác minh của cơ quan chức năng, người chồng là một võ sư.
Người chồng đá, đánh vợ khi người vợ bế trên tay đứa con mới 2 tháng tuổi.
Ngay trước đó, tại Bắc Kạn, một vụ việc tương tự cũng xảy ra vào cuối tháng 8. Người chồng cũng đánh vợ không nương tay ngay trước mặt con trai lớn và trên tay chị cũng đang bế con nhỏ. Sau đó, người này vẫn còn bao biện: "Tôi đánh vợ nhưng gia đình nào cũng có những lúc mâu thuẫn, xảy ra xô xát".
Còn nhiều vụ việc tương tự xảy ra thời gian qua đã làm dấy lên nhiều câu hỏi: Phụ nữ liệu có đang an toàn trước chính người thân? Pháp luật và cơ chế bảo vệ họ đang ở đâu? Ai chịu trách nhiệm chính cho sự an toàn cũng như những đau đớn về thể xác và tinh thần mà họ đang phải gánh chịu?
Trong chương trình Vấn đề hôm nay, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho rằng, người phụ nữ hoàn toàn không đơn độc nếu như dám lên tiếng để kêu gọi bảo vệ mình. Tuy nhiên thực tế, nhiều người không muốn để người ngoài biết, muốn che giấu, cho đến khi những vụ việc không giấu được nữa, quá sức chịu đựng thì người phụ nữ mới dám lên tiếng. Khi đó, cơ quan chức năng cũng mới biết.
Ông Tiến cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo hành là những suy nghĩ, định kiến về giới cho rằng người đàn ông là chủ gia đình, có quyền quyết định mọi thứ trong gia đình. "Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em" - ông Tiến khẳng định.
Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội.
Theo thống kê của Tổ chức Phụ nữ Liên hiệp quốc (UN Women), mỗi năm, bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam gây ra thiệt hại về năng suất lao động có giá trị tương đương 1,78% GDP (tức là khoảng 5.600 tỷ đồng). Đó là con số có thể đong đếm được, còn những vấn đề về tình cảm, tâm lý, văn hóa mới thực sự là một thiệt hại không gì bù đắp được.
Ngoài việc sẽ vào cuộc mạnh hơn của cơ quan đoàn thể, chính sự "lên tiếng" và "không cam chịu" của chị em phụ nữ cũng sẽ giúp giảm bớt đi những hình ảnh và câu chuyện đau lòng.
vtv.vn