Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Nông Đức Mạnh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tổng Bí thư; Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
Cùng dự có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc qua các thời kỳ; các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lao động; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương…
Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội qua các thời kỳ.
Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài diễn văn quan trọng, ôn lại về thân thế, sự nghiệp và khẳng định những đóng góp quan trọng với cách mạng Việt Nam của cụ Nguyễn Văn Tố.
Cụ Nguyễn Văn Tố sinh ngày 5-6-1889 trong một gia đình có truyền thống Nho học, tại làng Đông Thành, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm thống trị, cụ Nguyễn Văn Tố đã chứng kiến nhiều phong trào đấu tranh yêu nước như: Phong trào Duy Tân (1906-1908); vụ “Hà Thành đầu độc” (1908), phong trào chống thuế ở Trung kỳ..., tất cả đều bị đàn áp dã man, bị dìm trong biển máu. Từ thực tiễn lịch sử đó, cụ Nguyễn Văn Tố đã sớm tiếp thu truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc.
Năm 1905, khi mới 16 tuổi, cụ Nguyễn Văn Tố đã đỗ đầu kỳ thi ngạch Phán sự - Thông dịch do Tòa Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức. Năm 1906, cụ chính thức được nhận vào làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ Hà Nội (EFEO) - một cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội của Pháp ở Đông Dương thời đó. Với trí tuệ uyên bác, chỉ sau vài năm, cụ Nguyễn Văn Tố đã trở thành một học giả nổi tiếng, có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa phương Đông, văn hóa phương Tây, nhất là về lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra giúp nước, với cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời. Với những đóng góp quan trọng và ý nghĩa, ngày 6-1-1946, trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của đất nước, cụ Nguyễn Văn Tố đã được nhân dân bầu là đại biểu Quốc hội và ngày 2-3-1946, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, cụ được bầu là Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Một trong những cống hiến to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội là đã điều hành Quốc hội góp ý, xây dựng và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946.
Với những nội dung tư tưởng tiên tiến mang giá trị bền vững và sâu sắc đến tận hôm nay, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định nền độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam; khẳng định quyền làm chủ Nhà nước của mỗi công dân, quyền và nghĩa vụ xây dựng một nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Ôn lại cả cuộc đời cống hiến, hy sinh trọn đời vì sự nghiệp khai mở dân trí và giải phóng dân tộc của cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, cụ đã nêu tấm gương mẫu mực của một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, nhà văn hóa uyên bác; nhà lãnh đạo đức độ, tài năng của Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ là tấm gương sáng luôn nêu cao tinh thần cần kiệm, khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý cá nhân.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi lễ. |
Theo Chủ tịch Quốc hội, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh nhà chí sĩ yêu nước, Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên Nguyễn Văn Tố là dịp để chúng ta tri ân và tưởng nhớ công lao, cống hiến to lớn của cụ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, cũng là để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta.
Cuộc đời hoạt động tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân của cụ Nguyễn Văn Tố là một tấm gương cao đẹp để các đại biểu Quốc hội, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập, noi theo. Tấm gương của cụ Nguyễn Văn Tố có ý nghĩa quan trọng góp phần vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
“Noi gương cụ, trong mọi hoạt động, công tác, mỗi chúng ta phải luôn luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc và của Đảng lên trên hết; không ngừng nỗ lực phấn đấu vì nền độc lập, tự do trường tồn của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; kiên định con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc đã lựa chọn, ra sức xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các tiên liệt anh hùng dân tộc, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Văn Tố - Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của Quốc hội Việt Nam” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, GS.TS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII khẳng định, thân thế, con người, sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Tố càng làm sáng tỏ hơn về sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc sử dụng nhân tài.
GS.TS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh: “Chúng tôi, lớp học sinh của cụ, sẽ luôn khắc sâu trong tâm khảm tấm gương hiếu học, nâng cao trí tuệ, rèn luyện bản thân, giữ gìn nhân cách cao đẹp và cống hiến với tất cả tài, trí của mình cho nhân dân, cho Tổ quốc. Hình ảnh cụ Nguyễn Văn Tố sẽ mãi mãi tỏa sáng trong thế hệ chúng tôi và con cháu chúng tôi, tự nguyện phấn đấu, rèn luyện để có thể hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó”.
Tiếp đó, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) Phạm Đức Nam đã phát biểu, bày tỏ niềm vinh dự, tự hào của thầy và trò khi cơ sở dạy và học của mình được mang tên nhân sĩ, chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tố.
Học tập, noi gương cụ, các thế hệ, giáo viên, học sinh của Trung tâm luôn khắc ghi truyền thống dạy tốt, học tốt, trau dồi kiến thức, năng lực, nhất là đạo đức nghề nghiệp. Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Trung tâm luôn nỗ lực giữ vững danh hiệu Lá cờ đầu của ngành học giáo dục thường xuyên, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; được Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Hà Nội tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc.
Để giáo dục truyền thống yêu nước, hiếu học, ghi nhớ công ơn cụ Nguyễn Văn Tố, hằng năm, Trung tâm đều tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của cụ. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử của ngôi trường đã có hơn một thế kỷ làm công tác giáo dục, thi đua dạy tốt, học tốt, đáp ứng yêu cầu học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời của người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.