Đây là lần đầu tiên ngành Y tế tiến hành thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia trên đất liền nhằm phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue. Theo đó, việc thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia được tiến hành tại 8 thôn trung tâm xã Vĩnh Lương trong sáng 6/3.
Trong khoảng 18 tuần tiếp theo, mỗi tuần, sẽ thả khoảng 100 con muỗi vào mỗi ô có kích thước 50m x 50m đã được chia sẵn theo bản đồ. Giáo sư Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định, đây là phương pháp an toàn cho con người, động vật và môi trường.
Trong thời gian thả muỗi vằn mang Wolbachia, các nhà khoa học sẽ thường xuyên theo dõi quần thể muỗi và giám sát tình hình bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng.
Muỗi vằn mang Wolbachia sau khi được thả ra thực địa sẽ cặp đôi, sinh sản và tự duy trì trong môi trường tự nhiên. Muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực mang hoặc không mang Wolbachia cũng đều sinh ra trứng nở thành thế hệ muỗi tiếp theo mang vi khuẩn Wolbachia.
Trong cơ thể muỗi, vi khuẩn Wolbachia sẽ ức chế (ngăn chặn) sự xâm nhập và nhân lên của virus Dengue (gây bệnh sốt xuất huyết) và virus Zika, do đó các virus gây bệnh này hầu như không còn khả năng truyền từ muỗi sang người. Hơn nữa, muỗi cái không mang vi khuẩn Wolbachia nếu giao phối với muỗi đực có Wolbachia thì trứng do con cái sinh ra sẽ không nở (do cơ chế bất hợp dịch bào), nhờ đó sẽ làm giảm số lượng muỗi truyền bệnh./.