Người Việt Odessa
Tin trong nước

Kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Chuyện nghề của chiến sĩ áo trắng

Thứ năm, 27/02/2020 | 02:36
Những giọt nước mắt, những nụ cười, niềm tin, hy vọng, những cung bậc cảm xúc... đã được bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư lưu giữ lại qua mỗi một lần tham gia chiến đấu với dịch bệnh nguy hiểm như SARS, Covid-19.

Kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Chuyện nghề của chiến sĩ áo trắng

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: internet

21 ngày mới được về nhà
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới “níu chân” bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nán lại trong chốc lát khi công việc điều trị còn bộn bề, dịch Covid-19 thêm yếu tố phức tạp, để lắng nghe chuyện nghề của những bác sĩ thầm lặng chống dịch. Chúng tôi có thể coi đây là cuốn nhật ký ghi lại khoảnh khắc chiến đấu “quên mình” của bác sĩ Cấp và nhiều đồng nghiệp khác với mục đích cao cả bảo vệ sức khỏe, bình yên cho Nhân dân… Với họ, áp lực công việc nơi tuyến đầu điều trị người nhiễm bệnh dịch đã lớn, những áp lực vô hình mà họ phải đối mặt cũng không nhỏ…
Đứng ngay tuyến đầu trực tiếp chiến đấu với SARS-CoV-2 để giành lại sự sống cho bệnh nhân, những ngày qua, bác sĩ Cấp vẫn chưa thể quên được câu chuyện của 2 bác sĩ ở Vũ Hán, Trung Quốc qua đời vì dịch Covid-19. “Tôi không hiểu tại sao bác sĩ Lý Văn Lượng - một bác sĩ trẻ khỏe lại bị bệnh nặng đến mức tử vong. Rồi một vận động viên thể hình 10 năm không ốm mà vẫn ra đi. Bất kỳ ai, trong hay ngoài ngành y, lứa tuổi nào cũng đều có thể mắc và tử vong" - bác sĩ Cấp nói.
Kể về sự vất vả của đội ngũ thầy thuốc, anh cho biết thêm: "Trong ngành y có vị là thứ trưởng, là hiệu trưởng trường đại học, ngày đi họp, tối vẫn về mổ. Với tình yêu nghề, khi dịch đến, họ vất vả, lăn xả vào công việc, nhưng không may nhiễm bệnh và hy sinh… Công việc của ngành y thế đấy!”.
Giữ khoảng lặng trong giây lát, anh chia sẻ cảm xúc khi tiếp nhận ca bệnh Covid-19 đầu tiên. Khi Trung Quốc thông báo về dịch viêm phổi Vũ Hán, anh và đồng nghiệp phải tìm hiểu các kênh thông tin. Rất may, thông tin từ các nguồn cả phía Trung Quốc, WHO và Mỹ cũng đều khá cập nhật. Từ hiểu biết về SARS-CoV-2, các bác sĩ đã xây dựng chiến lược ứng phó.
“Ngay sáng Mùng 1 Tết, chúng tôi có bài viết khai Xuân về virus này. Mùng 2 Tết, chúng tôi đã có bài giảng đầu tiên để chia sẻ cho các tuyến. Hướng dẫn điều trị ban đầu liên tục được cập nhật thông tin mới để sửa đổi. Qua bước đó, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng về tinh thần để tiếp nhận virus này. Điều quan trọng hơn là bệnh viện cũng đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, con người, đào tạo, hỗ trợ tuyến dưới, chỗ ăn ở cho người bị cách ly, nhân viên y tế ở lại bệnh viện"- bác sĩ Cấp nói.
Là người trực tiếp đối diện với dịch bệnh, đến thời điểm này, bác sĩ Cấp thành thật, bản thân anh ở lại bệnh viện từ Mùng 6 Tết đến nay, sau 21 ngày mới được về nhà. “Tôi không về nhà không phải vì cách ly. Tôi ở lại bệnh viện 24/24 giờ vì lý do là phải đảm bảo tối đa sự an cho những người tham gia điều trị. Những người thực hiện thao tác đó phải được trang bị phòng hộ tốt nhất, kỹ năng tốt nhất. Và 2 người đó là Trưởng khoa và Phó khoa. Mọi người ở bệnh viện cũng đều đã được trải nghiệm, được rèn luyện qua nhiều vụ dịch rồi. Công tác chuẩn bị ban đầu chúng tôi làm khá ổn nên mọi người rất bình tĩnh”- bác sĩ Cấp tâm sự.
 
Kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Chuyện nghề của chiến sĩ áo trắng
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (ngoài cùng, bên trái) đại diện khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận Bằng khen của Bộ Y tế.
 
Thành công từ những kinh nghiệm quý
Trong niềm vui khi dịch Covid-19 phần nào được Việt Nam kiểm soát tốt, với 16/16 bệnh nhân mắc Covid-19 đã được chữa khỏi, bác sĩ Cấp thở phào chia sẻ, khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán, ngay lập tức, các bác sĩ bệnh viện cùng ngành y tế lật giở lại những kinh nghiệm trong dịch SARS và đưa ra phác đồ điều trị. Vào giai đoạn đầu tiên, dù khá sơ khai nhưng cũng giúp bệnh viện có định hướng điều trị ban đầu là sẽ chiến đấu với dịch bệnh này như thế nào.
"Kinh nghiệm quý giá nhất chúng tôi rút ra được khi chống dịch đó là đảm bảo an toàn cho bản thân. Thầy thuốc mà không an toàn thì cả thầy thuốc và bệnh nhân đều tử vong, rồi lây nhiễm chéo trong bệnh viện sẽ cực kỳ nguy hiểm. Ngay cả những hành động rất đơn giản cũng phải thành quy trình kỹ năng như cởi một cái áo ra khỏi người nhân viên y tế, mở cánh cửa hay rửa đôi bàn tay… Tất cả đều phải đảm bảo an toàn tuyệt đối" - bác sĩ Cấp chia sẻ.
Với sự khiêm tốn của người từng có kinh nghiệm chống dịch, bác sĩ Cấp cho rằng, trong cuộc chống dịch Covid-19, điều trị chỉ là một việc rất nhỏ. Quan trọng nhất là không để dịch vào Việt Nam, nếu đã vào thì phải dồn sức khống chế, không để dịch lan rộng.
“Chúng tôi chỉ gánh vác việc thứ ba là chẳng may có ai mắc thì cố gắng giúp họ hồi phục. Chúng ta đã làm rất tốt hai việc đầu nên Việt Nam có số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 ít. Còn nếu con số bệnh nhân lên hàng nghìn, hàng vạn thì chắc chắn sẽ không thể điều trị tốt được”- bác sĩ Cấp cho hay.
Có một vấn đề quan trọng theo bác sĩ Cấp là Covid-19 mới được phát hiện nên ngay cả chẩn đoán cũng chỉ được hoàn thiện qua từng ngày. Việc điều trị phải căn cứ vào hiểu biết sẵn có để xây dựng lên phương án điều trị ban đầu. Sau đó liên tục theo dõi, nghiên cứu, đổi mới để phác đồ điều trị ngày càng hoàn thiện hơn. Đây là đặc thù của dịch bệnh mới khi chưa có nghiên cứu đầy đủ.
Bác sĩ Cấp cũng tâm sự rằng, thời gian qua, thực sự khó khăn trong việc chuyển tải khái niệm chuyên môn thành khái niệm dân dã đủ để người dân hiểu và an tâm. Khái niệm cần phải diễn giải xuất hiện liên tục. Cá nhân bác sĩ chỉ là người đóng góp nhỏ trong việc tham gia diễn giải những khái niệm đó. Đơn cử như việc trực đường dây nóng.
"Chỉ duy nhất đêm đầu tiên trực, chúng tôi giải quyết được 2 tình huống của bệnh viện tuyến dưới và 1 tình huống của khách sạn nhờ tư vấn chống dịch. Trong khi, theo thống kê của chúng tôi, có 93% cuộc gọi đến hỏi rất nhiều chuyện, họ gọi cả đêm và sáng, có khi chỉ hỏi chuyện rách bao cao su, hát karaoke…" - bác sĩ Cấp nói.
Vất vả là vậy, áp lực là thế, nhưng anh không cho rằng đó là sự hy sinh của người thầy thuốc. Theo anh, đơn giản đây là công việc mà những người làm ngành y đã chọn. Khi đã làm nghề, phải có trách nhiệm với nghề nghiệp, đặc biệt với nghề bác sĩ, bởi liên quan đến sức khỏe, sự sống của người dân và cộng đồng.
tintuc.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN