Ban Tổ chức đã mời các nhân chứng lịch sử để xem xét quá trình hình thành và tầm quan trọng của khung pháp lý vốn được coi là Hiến chương của đại dương này. Tại phiên họp, các học giả cũng kiểm điểm quá trình đàm phán và các thỏa thuận trong UNCLOS, đánh giá hiệu quả của UNCLOS trên thực tiễn.
Thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) Stanislaw Michal Pawlak phát biểu tại phiên họp. |
“UNCLOS 1982 là một công ước đã tạo ra hệ thống pháp luật hết sức toàn diện, góp phần vào việc định hình trật tự tại các đại dương và biển trên thế giới, thiết lập các nguyên tắc điều chỉnh về việc sử dụng tài nguyên biển và đại dương. Hiện nay, Công ước này đã được công nhận trên toàn thế giới và giải quyết tất cả các vấn đề quan trọng liên quan tới luật Biển. Trong vòng 1/4 thế kỷ qua, công ước đã đóng góp nhiều vào việc góp phần đảm bảo hòa bình, hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới”, Thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) Stanislaw Michal Pawlak nhấn mạnh.
Đánh giá cao vai trò của UNCLOS, các học giả cũng thừa nhận, trải qua 25 năm, UNCLOS đã bộc lộ hạn chế. Ông Helmut Tuerk, cựu Phó Chủ tịch ITLOS nói: “Chúng ta đã không lường trước được những ‘khoảng trống’ trong UNCLOS tại thời điểm công ước này được phê chuẩn. Điều này xuất phát từ thực tế là đã có những thay đổi của tình hình địa chính trị hiện nay và sự phức tạp phát sinh trong quá trình thực hiện các điều khoản của công ước”.
Mặc dù vậy, các ý kiến tại phiên họp đều nhất trí cho rằng, với vai trò là “Hiến pháp của biển và đại dương”, UNCLOS 1982 đã chứng minh là công cụ pháp lý hết sức quan trọng trong việc đảm bảo trật tự cũng như thúc đẩy phát triển của luật pháp quốc tế và để đảm bảo thượng tôn pháp luật thì UNCLOS vẫn phải được các nước thành viên tôn trọng và tuân thủ nghiêm túc.
Các diễn giả tại phiên họp đặc biệt. |
UNCLOS 1982 được thông qua ngày 30/4/1982, đánh dấu kết quả sau 9 năm đàm phán của Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của Liên Hợp Quốc (1973-1982) nhằm xây dựng một văn kiện pháp lý quốc tế mới về biển và đại dương, phù hợp với lợi ích chung của các quốc gia.
Được coi như “Hiến pháp về biển và đại dương”, UNCLOS 1982 gồm 17 phần, 320 điều và 9 phụ lục, quy định một cách toàn diện về quy chế pháp lý của các vùng biển cũng như các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia dù có biển, không có biển hay gặp bất lợi về mặt địa lý trong việc sử dụng, khai thác và quản lý biển và đại dương. Văn kiện này không chỉ kế thừa các điều ước quốc tế về biển trước đó mà còn pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán quốc tế cũng như những xu hướng phát triển mới của việc sử dụng và khai thác biển và đại dương.
UNCLOS 1982 ra đời đánh dấu sự hình thành một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong sử dụng biển, quản lý các nguồn tài nguyên biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau. Công ước đã đặt ra cơ sở để xác định các vùng biển và căn cứ cho các quốc gia xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển./.
vov.vn