Trong bài phát biểu của mình tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh – mặt nước thành phố Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị” diễn ra ngày 13/1, tại Hà Nội, ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam khẳng định vai trò của cây xanh đối với đô thị là vô cùng quan trọng.
Theo ông Chính, đối với Thủ đô Hà Nội, hệ thống cây xanh – mặt nước được ví như lá phổi của đô thị. Trong kiến trúc đô thị, cây xanh là một bộ phận không thể thiếu và mang lại những nét đặc trưng và vẻ đẹp riêng của mỗi tuyến phố Hà Nội.
Ngoài ra, cây xanh đường phố, vườn hoa, công viên là một phần kiến trúc đô thị. Vườn hoa, công viên có chức năng phủ xanh đô thị, thân thiện với môi trường và là điểm đến, nơi sinh hoạt, vui chơi, nghỉ ngơi của người dân Thủ đô Hà Nội và các khu vực lân cận.
“Cây xanh cũng giống như con người, cũng có đời sống quy luật như con người như sinh sôi, nảy nở, rồi bệnh và chết đi. Có nhiều cây xanh sống còn nhiều tuổi hơn con người. Chính vì thế, chúng ta thấy mỗi khi Hà Nội có sự việc gì liên quan đến cây xanh thì người Hà Nội lại quan tâm, bàn luận rất nhiều vì chuyện mỗi cây xanh, góc phố đã động chạm đến trái tim của nhiều người. Cho nên cây xanh thức sự đã đi vào cuộc sống của mỗi người chúng ta, không chỉ ở góc độ cho bóng mát, dưỡng khí... mà là những giá trị tinh thần, đi vào ký ức của nhiều người” – ông Chính chia sẻ.
Chính vì vậy, ông Chính cho biết, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đang giao cho Hiệp Hội công viên cây xanh Việt Nam làm việc với Bộ Xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ cho lấy ngày 28 tháng Giêng hàng năm là Ngày cây xanh Việt Nam.
Giải thích vì sao lấy ngày 28 tháng Giêng, ông Chính cho biết, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Tết trồng cây, nhằm tạo ra phong trào trồng cây trên toàn quốc. Và ngày 11/1/1960, Bác Hồ đã trồng cây đa tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) – mở đầu phong trào Tết trồng cây do Người phát động.
Vẫn theo ông Chính, phát triển cây xanh đô thị là một hoạt động bảo vệ môi trường đô thị, vì vậy cần phải xã hội hóa nhằm phát huy mọi nguồn lực của xã hội. Từ những năm 60, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Tết trồng cây, từ lâu nay, phong trào này đã trở thành phong tục, một nét đẹp văn hóa của người dân Hà Nội. Với những hoạt động đồng bộ, hy vọng rằng Thủ đô Hà Nội sẽ thực sự là một đô thị xanh, thân thiện cùng với sự phát triển của đô thị Việt Nam.
Nguyễn Dương - dantri.com.vn