Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày báo cáo của Chính phủ
9.15': Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp, thay mặt chính phủ Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.
Đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu đặt ra trong năm 2018
Báo cáo khẳng định, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình KTXH quý IV đã chuyển biến tích cực, góp phần mang lại kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của năm 2018 - năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020. Chúng ta đã đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội.
Cụ thể là, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% (đã báo cáo trên 6,7%), cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 45,2% (bình quân 3 năm 2016 - 2018 là 43,29%, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm đề ra là 30 - 35%); năng suất lao động tăng gần 6%; hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng (chỉ số ICOR giảm từ 6,42 năm 2016 còn 5,97 năm 2018). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1%.
Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,2% (đã báo cáo 11,2%), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 480 tỷ USD và xuất siêu 6,8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 8% so với dự toán (đã báo cáo vượt 3%); bội chi ngân sách 3,46% GDP (đã báo cáo 3,67%); nợ công ở mức 58,4% GDP (đã báo cáo 61,4%).
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 5,35% (đã báo cáo 5,2 - 5,7%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 87,7% (đã báo cáo 86,9%). Có 43% số xã và 61 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (đã báo cáo 40% số xã và 55 huyện).
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng được triển khai quyết liệt; xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, dư luận xã hội quan tâm, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.
Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.
Báo cáo của Chính phủ khẳng định, kết quả trên đây khẳng định, những nhận định, đánh giá mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là phù hợp, trong đó có nhiều mặt tốt hơn.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Năm 2019 – năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 2016 - 2020
Theo báo cáo, xác định năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã xác định phương châm "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả"; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể; có kịch bản tăng trưởng, phương án điều hành hàng tháng, hàng quý theo ngành, lĩnh vực; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện. Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc, nhất là về đầu tư, thương mại, thuế, phí, lao động, đất đai, tài nguyên...
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tổ chức các hội nghị toàn quốc về: hội nhập quốc tế, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, chế biến nông sản, phát triển vùng kinh tế trọng điểm, du lịch, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo..., đưa ra những cơ chế, chính sách, giải pháp có tính đột phá, thúc đẩy những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tạo động lực cho phát triển.
Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức các diễn đàn, chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch… với sự tham gia của đông đảo các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước để phát huy tiềm năng, thế mạnh, thu hút các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển KTXH của địa phương, của vùng và cả nước.
Theo đó, các chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội được thể chế hóa và triển khai sâu rộng vào thực tiễn ngay từ những ngày đầu quý I/2019.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Báo cáo cũng cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong từng lĩnh vực cụ thể, chú trọng giải quyết những vấn đề cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, rà soát quy hoạch ngành, lĩnh vực, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển Chính phủ điện tử...
Các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; chú trọng thực hiện tốt các chính sách về văn hóa, xã hội, môi trường; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc về giáo dục đào tạo, y tế, đạo đức, văn hóa ứng xử; xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm, môi trường và tệ nạn xã hội.
Chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát thi hành pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trấn áp tội phạm; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế... được cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân ủng hộ và đồng thuận cao.
Các vị đại biểu Quốc hội sử dụng thiết bị thông minh để tiếp cận tài liệu, các thông tin về kỳ họp, thông tin báo chí… Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục, GDP quý I đạt 6,79%
Về kết quả đạt được trong những tháng đầu năm, báo cáo cho biết, Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 6,79%. Xuất khẩu 4 tháng đạt 78,8 tỷ USD, tăng 5,8%; xuất siêu 711 triệu USD…
Thời gian qua, chúng ta cũng thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tích cực thực hiện các chương trình, đề án mới về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 72 huyện và 4.340 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 48,7%).
Cùng với phát triển kinh tế, Chính phủ cũng chú trọng chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xã hội và tập trung giải quyết các vấn đề xã hội; tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đời sống đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai được quan tâm, chăm lo.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tiến hành rà soát, xử lý các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để lãng phí đất đai. Quản lý chặt chẽ nguồn thu từ đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước. Không để xảy ra sự cố đáng tiếc về môi trường; kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng…
Các vị khách quốc tế dự khai mạc kỳ họp. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử
Về xây dựng thể chế, cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, báo cáo cho biết, chất lượng và tiến độ trình, ban hành văn bản pháp luật được bảo đảm tốt hơn.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và phát động phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở. Đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử và các cơ sở dữ liệu quốc gia; đưa vào hoạt động Trục liên thông văn bản quốc gia. Tăng cường đối thoại trực tiếp với nông dân, công nhân, trí thức; nâng cao hiệu quả hoạt động của các Cổng thông tin điện tử tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Công tác thanh tra được đẩy mạnh và triển khai theo kế hoạch; ban hành kết luận thanh tra, chuyển sang cơ quan điều tra nhiều vụ việc nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được triển khai tích cực.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, người dân bức xúc; số vụ việc và số người khiếu nại, tố cáo giảm.
Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt; ban hành và chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, được dư luận đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.
Tập trung mọi nỗ lực để vượt qua khó khăn, thách thức
Báo cáo nhận định, trong thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; rủi ro và bất ổn gia tăng, nhất là xung đột thương mại, điều chỉnh chính sách giữa các nước lớn và những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế; cạnh tranh ngày càng gay gắt trên nhiều mặt.
Trong khi đó, nền kinh tế nước ta còn những hạn chế, yếu kém; tính độc lập, tự chủ, khả năng chống chịu, tiềm lực và năng lực cạnh tranh chưa cao; thách thức an ninh phi truyền thống từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2019 và trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là rất nặng nề. Phát huy những kết quả đạt được, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành không chủ quan trong chỉ đạo điều hành; tập trung mọi nỗ lực để vượt qua khó khăn, thách thức; kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời; chú trọng khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết các vấn đề mới phát sinh; chủ động nghiên cứu, có chính sách, giải pháp phù hợp để thúc đẩy các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tạo động lực cho phát triển; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy hơn nữa tiềm năng, sức mạnh của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2019, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
* Sau khi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc kỳ họp
Bắt đầu từ 8.00’ Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp. 9.00’ Quốc hội họp phiên khai mạc tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp.
Thay mặt UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt chào mừng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ, các vị đại biểu đã đến dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Điểm những vấn đề nổi bật của quốc tế và trong nước ảnh hưởng đến đất nước, Chủ tịch Quốc hội khẳng định những kết quả nổi bật trong những tháng đầu năm về KT-XH, bảo đảm an sinh, hội nhập quốc tế, an ninh quốc phòng,...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh những nhiệm vụ nặng nề trước mắt đòi hỏi toàn thể hệ thống chính trị, toàn đảng, toàn quân, toàn dân phải nêu cao tinh thần đoàn kết, biến thách thức thành hành động để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2019.
Nêu những nội dung cơ bản của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, tích cực thảo luận để góp phần vào thành công của kỳ họp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu Quốc hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra trong 20 ngày, khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào ngày 14/6/2019. Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, tổ chức tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội.
Các vị đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Từ 7.15’ sáng 20/4, các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các vị đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Thông qua 7 dự án luật
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV là kỳ họp giữa năm 2019 – năm thứ tư của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật với 12 ngày làm việc, chiếm gần 60% tổng thời gian của kỳ họp. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Quốc hội cho ý kiến đối với 9 dự án luật gồm: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phỉ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi).
2,5 ngày chất vấn theo nhóm vấn đề
Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Điểm đáng chú ý là tại kỳ họp này sẽ có đổi mới trong việc báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội bằng hình ảnh, góp phần chuyển tải sinh động về kết quả giám sát chuyên đề.
Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Việc xem xét báo cáo này sẽ được kết hợp thảo luận với các nội dung về: việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; xem xét, quyết định việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.
Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, tiến hành theo quy định chất vấn theo nhóm vấn đề, được lựa chọn dựa trên ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với báo chí về Kỳ họp thứ 7. |
Lần đầu tiên áp dụng Quốc hội điện tử
Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Văn phòng Quốc hội lần đầu tiên triển khai việc sử dụng phần mềm ứng dụng dành cho đại biểu Quốc hội. Theo đó, các đại biểu Quốc hội có thể tiếp cận tài liệu, các thông tin về kỳ họp, thông tin báo chí… ngay trên các thiết bị thông minh cầm tay.
Đây là một trong những kết quả của việc triển khai chương trình xây dựng Quốc hội điện tử. Điều này sẽ góp phần chuyển tải thông tin một cách nhanh nhất đến các đại biểu Quốc hội, giảm việc sử dụng các văn bản giấy trong hoạt động của Quốc hội.
Bên cạnh đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cải tiến việc lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội từ hình thức bằng văn bản sang hình thức bằng bảng điện tử. Qua đó giúp việc lấy ý kiến được chính xác, nhanh chóng và thuân tiện hơn nhất là trong việc tổng hợp các ý kiến phục vụ cho công tác tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật.
Thông tin thêm về vấn đề này Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành thí điểm sử dụng phần mềm hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc cung cấp tài liệu, tra cứu thông tin, văn bản. Đặc biệt hỗ trợ đại biểu trong công tác lập pháp như đưa ra thông tin nghiên cứu, với thống kê và giới thiệu pháp luật quốc tế, so sánh với pháp luật Việt Nam; tra cứu lịch sử các kỳ họp trước thảo luận những gì; tổng hợp ý kiến cử tri và giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri. Đặc biệt với việc dễ dàng truy cập qua điện thoại, các đại biểu Quốc hội có thể trao đổi với nhau và đề nghị được cung cấp tài liệu tức thì.
Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, phần mềm này không chỉ hỗ trợ đại biểu tại kỳ họp mà cả khi tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên đây mới chỉ ở giai đoạn thí điểm và sau kỳ họp, Văn phòng Quốc hội sẽ có tổng hợp đánh giá, tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội để có nghiên cứu, điều chỉnh phần mềm trở nên hữu ích hơn nữa./.
baoquocte.vn