Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đặng Công Huẩn đã ban hành thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm (TP HCM).
Không trình duyệt theo chỉ đạo của Thủ tướng
Trong thông báo kết luận dài 15 trang, TTCP đã chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm của UBND TP HCM và các sở, ngành liên quan.
Theo đó, UBND TP HCM ban hành Điều lệ quản lý xây dựng KĐTM Thủ Thiêm chưa đầy đủ, không thực hiện trình duyệt theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, việc đầu tư dự án đã thiếu đồng bộ, khó quản lý, có nơi còn buông lỏng, chậm triển khai.
Theo TTCP, các cơ quan chức năng liên quan của TP HCM đã đề xuất và được Thường trực Thành ủy, UBND TP phê duyệt chi phí đầu tư bình quân 26 triệu đồng/m2 đất thương mại - dịch vụ - nhà ở, chênh lệch giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu.
Quá trình thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM) để xảy ra nhiều sai phạm Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngoài ra, khi đề xuất phương án giá trên, các sở, ngành và UBND TP HCM đã không tính lãi đối với khoản tiền được tạm ứng từ ngân sách nhà nước, dẫn đến tổng mức đầu tư đã xác định và phê duyệt không đúng quy định. Theo TTCP, UBND TP HCM và các sở, ngành lấy giá 26 triệu đồng/m2 làm giá tối thiểu để xác định giá trị quyền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư hoặc tự thỏa thuận khi giao đất cho nhà đầu tư tại các dự án là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định.
Đoàn thanh tra đã nêu rõ trong KĐTM Thủ Thiêm, toàn bộ quỹ đất 221,68 ha được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng địa phương này đã sử dụng để thanh toán đối ứng cho các dự án BT (xây dựng - chuyển giao). Trong khi đó, các dự án BT lại được chỉ định nhà đầu tư hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng không qua đấu giá quyền sử dụng đất, vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai.
Ưu ái cho doanh nghiệp
Đoàn thanh tra cũng xác định chủ đầu tư các dự án BT đã hưởng lợi rất lớn do chênh lệch giá đất (chênh lệch địa tô). Cụ thể, UBND TP HCM sử dụng đơn giá bằng chi phí đầu tư bình quân là 26 triệu đồng/m2 không đúng quy định làm giá tối thiểu để tính tiền sử dụng đất thanh toán đối ứng cho các dự án BT.
Trong KĐTM Thủ Thiêm, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (Công ty Đại Quang Minh) đã được UBND TP HCM chỉ định làm nhà đầu tư dự án BT 4 tuyến đường chính. TP HCM đã không yêu cầu doanh nghiệp này lập hồ sơ đề xuất và đánh giá các tiêu chuẩn về kinh nghiệm, chưa đánh giá năng lực tài chính, không đăng trên Báo Đấu thầu 3 số liên tiếp, chưa thực hiện đúng quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
UBND TP HCM đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án hơn 12.182 tỉ đồng khi chưa làm rõ ý kiến của các sở, ngành liên quan. Qua thanh tra đã phát hiện một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị hơn 1.519 tỉ đồng. Công ty Đại Quang Minh lại thi công công trình khi chưa có giấy phép xây dựng tại nhiều hạng mục, hầu hết các dự án thành phần chưa thực hiện đúng tiến độ. Trong khi đó, các cơ quan chức năng của TP HCM lại chưa kiểm tra, phát hiện để xử lý kịp thời.
Quá trình thanh tra, TTCP cũng làm rõ việc UBND TP HCM ký hợp đồng BT với Công ty Đại Quang Minh. Trong đó, xác định giá trị quyền sử dụng đất các khu đất đối ứng để thanh toán hợp đồng hơn 12.400 tỉ đồng khi chưa có chứng thư thẩm định giá, chưa có quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất là không đúng quy định của Luật Giá năm 2012 và Luật Đất đai năm 2013.
"Việc làm sai quy định trên của UBND TP HCM dẫn đến chênh lệch giảm tiền sử dụng đất 3.901 tỉ đồng so với giá trị đã được UBND TP thẩm định, phê duyệt trước đó, nguy cơ thiệt hại ngân sách" - cơ quan thanh tra nêu rõ.
TTCP cũng phát hiện mặc dù việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán đối ứng cho dự án BT 4 tuyến đường chính chưa đúng quy định nhưng UBND TP HCM đã tính tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp là hơn 4.225 tỉ đồng (đã nộp 2.376 tỉ đồng), số còn lại đến nay chưa nộp là 1.800 tỉ đồng.
Đối với dự án BT cầu Thủ Thiêm 2, mặc dù chủ trương trước đó của UBND TP HCM là lựa chọn Vinaconex làm nhà đầu tư nhưng sau đó lại tiếp tục giao cho Công ty Đại Quang Minh. Đồng thời, thay đổi quy mô cầu từ 4 thành 6 làn xe nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Dự án này UBND TP HCM phê duyệt tổng mức đầu tư hơn 4.260 tỉ đồng, qua thanh tra phát hiện một số khoản chi phí không đúng quy định với tổng giá trị hơn 252 tỉ đồng.
Các dự án Khu phức hợp tháp quan sát và Khu phức hợp Sóng Việt được UBND TP HCM chỉ định nhà đầu tư nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, địa phương đã tính và thu tiền sử dụng đất của chủ đầu tư không đúng quy định; cần xem xét, xác định lại giá đất để truy thu, tránh thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, TP HCM đã chấp thuận chủ trương chỉ định 2 nhà đầu tư là Tập đoàn Lotte và Vingroup tại 2 dự án (Khu phức hợp thông minh, diện tích 5,012 ha và Khu phức hợp thể thao - giải trí, diện tích 20,047 ha) là chưa thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu và Luật Đất đai. Tuy nhiên, đến nay chưa tính và thu tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư.
Mất cân đối vốn hơn 8.700 tỉ đồng
Thanh tra về nội dung quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư, TTCP kết luận UBND TP HCM phê duyệt và điều chỉnh dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư trị giá hơn 38.600 tỉ đồng là không đúng thẩm quyền theo nghị quyết của Quốc hội và nghị định của Chính phủ. TP HCM còn tạm ứng, quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách chưa đúng với quy định, đồng thời không hoàn trả tạm ứng hằng năm theo Luật Ngân sách với tổng giá trị hơn 26.300 tỉ đồng.
"UBND TP HCM không tính lãi trên khoản tạm ứng từ ngân sách vào chi phí đầu tư bình quân khoảng 10.500 tỉ đồng, dẫn đến việc lấy chi phí đầu tư bình quân làm mức giá tối thiểu để tính tiền sử dụng đất các lô đất thương mại - dịch vụ - nhà ở đã giao cho chủ đầu tư các dự án trong KĐTM Thủ Thiêm thiếu cơ sở pháp lý, chưa chính xác, có khả năng gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước" - kết luận nêu rõ.
Theo báo cáo của UBND TP HCM về đánh giá tổng quan cân đối vốn khi đầu tư KĐTM Thủ Thiêm và kết quả thanh tra: tổng chi phí phải trả là hơn 83.300 tỉ đồng. Tổng thu dự kiến đến thời điểm hiện nay là hơn 74.600 tỉ đồng. Như vậy, việc đầu tư KĐTM Thủ Thiêm còn mất cân đối vốn khoảng hơn 8.700 tỉ đồng.
TTCP khẳng định trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc lãnh đạo UBND TP và các sở, ngành theo thời kỳ. Do vậy, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP HCM thực hiện thu hồi và hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách không đúng quy định đến thời điểm 30-9-2018 là hơn 26.300 tỉ đồng. Đồng thời sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho dự án gần 4.300 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, TP HCM sớm thu hồi về ngân sách nhà nước khoản tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung đối với Công ty Đại Quang Minh là 1.800 tỉ đồng và lãi suất chậm nộp từ khi phát sinh đến nay.
Ngoài ra, Tổng TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán, xác định lại tổng mức đầu tư và giá trị tiền sử dụng đất theo giá thị trường và quy định của pháp luật nhằm tránh thất thoát tiền của nhà nước. Trong đó, có khoản chênh lệch giảm giữa các quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán cho dự án BT 4 tuyến đường chính thiếu căn cứ và chưa đúng quy định hơn 3.900 tỉ đồng.
Chuyển hồ sơ sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương
TTCP cũng nhấn mạnh trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31-12-2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Về xử lý trách nhiệm, TTCP chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP HCM kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền như: Ban Quản lý KĐTM Thủ Thiêm; các sở Giao thông Vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu Phát triển TP; các đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư dự án... đã có khuyết điểm, vi phạm nêu trên.
Diễn biến vụ việc
- Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 367 ngày 4-6 phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐTM Thủ Thiêm.
- Năm 1998, TP HCM ra Quyết định 13585 về phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 KĐTM Thủ Thiêm, ranh của khu đô thị căn cứ theo bản đồ được duyệt (Quyết định 13585) với quy mô 618 ha, không kể diện tích sông Sài Gòn và khu tái định cư 42 ha.
- Năm 2002 UBND TP đã có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án ở 5 phường và thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tại phường An Phú, quận 2.
- Ngày 27-12-2005, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua ký Quyết định 6565 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, thay đổi khá nhiều so với Quyết định của Thủ tướng. Khu trung tâm rộng 737 ha, gồm khu đô thị phát triển mới rộng 657 ha, khu đô thị chỉnh trang là 80 ha.
- UBND TP HCM có thêm 2 quyết định 6566/2005 và 3165/2012 đi kèm các bản vẽ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000. Tuy nhiên, diện tích không thay đổi so với Quyết định 6565 là 657 ha. Sau đó, quy hoạch Thủ Thiêm được thực hiện theo quy hoạch này.
- Hàng trăm hộ dân khiếu nại hơn 20 năm vì cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo Quyết định 367 của Thủ tướng nhưng vẫn bị giải tỏa và thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sai quy định.
- Ngày 2-5-2018, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP, cho biết bản đồ KĐTM Thủ Thiêm đi kèm với Quyết định 367 đến nay không tìm thấy.
- Ngày 15-5-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp với các bộ, ngành liên quan, UBND TP HCM để bàn về việc xử lý khiếu nại, tố cáo của người dân về dự án KĐTM Thủ Thiêm.
- Ngày 7-9-2018, TTCP đã công bố kết luận kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về KĐTM Thủ Thiêm; kết luận việc khiếu nại của người dân về ranh quy hoạch đối với 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2 nằm ngoài ranh quy hoạch là có cơ sở.
- Ngày 26-12-2018, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII đã thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang, cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy. Khi còn là Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng khi phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong KĐTM Thủ Thiêm.
- Lãnh đạo TP HCM sau đó tổ chức nhiều buổi tiếp xúc cử tri, nhiều cuộc làm việc với những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, dự kiến các chính sách đối với 321 hộ dân Thủ Thiêm trong khu vực 4,3 ha. Thường vụ Thành ủy TP HCM đã họp nhiều lần, khẳng định những thiếu sót và có kế hoạch giải quyết.
- Ngày 26-6-2019, TTCP đã ban hành thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Thủ Thiêm.
nld.vn