Theo tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, tính tới 6 giờ sáng nay, Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng trong suốt 24 ngày qua (tính từ 6 giờ ngày 16-4 đến 6 giờ ngày 10-5). Hiện, trong số 47 ca bệnh Covid-19 đang điều trị chỉ còn 30 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SAR-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Tính đến 6 giờ ngày 10-5, Việt Nam có tổng cộng 148 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Tuy không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, nhưng hiện vẫn còn 11.130 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 180 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.146 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 4.804 người.
So với ngày 9-5, số trường hợp đang cách ly theo dõi sức khỏe phòng chống dịch Covid-19 đã giảm khoảng 3.000 người. Con số này giảm liên tục trong những ngày gần đây
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 241 bệnh nhân Covid-19 tại nước ta được công bố khỏi bệnh/xuất viện. Hiện còn 47 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định.
Tiểu Ban điều trị cũng cho biết tính đến sáng ngày 10-5, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khỏe tại 6 cơ sở y tế, hiện đã có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 13 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện chỉ còn lại 30 bệnh nhân Covid-19 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Về diễn biến sức khỏe của 2 bệnh nhân Covid-19 nặng, Tiểu Ban điều trị cho biết trong đó bệnh nhân số 19 (BN19) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh đã chuyển sang trạng thái nặng, thở oxy không xâm nhập, phục hồi tốt, giao tiếp tốt. Trong ngày bệnh nhân không sốt. Phổi thông khí rõ, không ran. Kiểm soát huyết áp tốt.
Bệnh nhân hiện đã tự túc ăn cơm, uống nước. BN19 cũng đang được bù nước điện giải, điều trị hỗ trợ.
Đến thời điểm này, đây là BN19 (là bác gái BN17) có số ngày điều trị nhiều nhất ở nước ta. BN19 nhập viện từ ngày 7-3, tính đến nay bệnh nhân này đã trải qua hơn 2 tháng điều trị, trong đó có những giai đoạn bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch, ngừng tim đến 3 lần liên tiếp.
Riêng bệnh nhân 91 (BN91) là nam phi công Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM vẫn đang trong tình trạng rất nguy kịch.
Hiện tại bệnh nhân nằm yên/an thần, không sốt. Siêu âm tim phổi co bóp đồng bộ, phổi phải hết tràn khí, nhiều B-line (các "B-line" thu được ở các của sổ siêu âm phổi sẽ cho ra chỉ số ULCs, là một thông số giúp định lượng mức độ ứ huyết ở phổi) mặt trước và bên, xẹp thùy sau dưới, ít dịch màng phổi phải. Phổi trái nhiều B-line mặt trước và bên.
Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine", phản ứng miễn dịch dữ dội, tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Do bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị cho nam bệnh nhân này.
BN91 là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất hiện nay, quá trình điều trị từ ngày nhập viện rất phức tạp, thất thường. Sáng 9-5, bệnh nhân vẫn có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong khoảng thời gian trước đó, bệnh nhân nhiều lần có kết quả âm tính, sau đó dương tính trở lại.
BS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM - nơi điều trị BN91, cho biết ban đầu bệnh nhân bị đông đặc một bên phổi, bây giờ thì cả hai phổi của bệnh nhân là phi công người Anh này đã đông đặc lại.
Tuy nhiên do phổi đặc lại, các bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết việc sử dụng máy thở không còn hiệu quả, BN91 được sử dụng thiết bị thay thế tim và phổi, nhưng tình trạng phổi đông đặc kéo dài sẽ khiến cơ quan này trở thành "ổ dịch" để vi khuẩn sinh sôi mạnh trong ký chủ.
Sau 53 ngày điều trị, 34 ngày được can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), hiện bệnh nhân đang tiếp tục phải thở máy, lọc máu, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO.
Mới đây, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã đề nghị cân nhắc phương án ghép phổi cho BN91, với nỗ lực tìm mọi cách cứu chữa. Dự kiến hôm nay ngày 10-5, BN91 sẽ được hội chẩn liên viện để đánh giá khả năng ghép phổi.
Trước đó, căn cứ ý kiến của Hội đồng chuyên môn, Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế đã đề nghị Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Sở Y tế TP HCM và Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tiến hành chuẩn bị phương án ghép phổi cho BN91.
nld.vn