Tiếp tục ngày làm việc thứ 2 của hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII (Hội nghị Trung ương 7), sáng nay 8-5, Trung ương làm việc tại hội trường, cho ý kiến vào Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Theo Đài Truyền hình Việt Nam, một trong những vấn đề mà Trung ương tập trung cho ý kiến liên quan đến chủ trương bí thư cấp ủy không phải là người địa phương. Nhiều ủy viên Trung ương cho rằng đây là một chủ trương đúng vì sẽ hạn chế được nhiều bất cập xảy ra trong thực tế như điều hành công việc còn nể nang, duy tình hoặc bổ nhiệm cán bộ chưa chính xác.
Ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng: "Nếu một đồng chí không phải người địa phương, thì chúng ta có thể kiểm soát quyền lực tốt hơn bởi vì chúng ta ít có mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em, chú bác… rất nhiều. Nếu một đồng chí sinh ra, lớn lên ở một địa phương mười mấy, hai mươi năm, rõ ràng các mối quan hệ này sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Còn nếu một đồng chí ở địa phương khác đến, không có bà con, dòng họ nhiều, rõ ràng chúng ta kiểm soát quyền lực và đồng chí đó được sự giám sát chặt chẽ của các anh chị, cô chú ở địa phương, bản thân đồng chí đó cũng sẽ rất thận trọng trong ứng xử. Tôi cho rằng chủ trương này rất tốt. Hiện nay, chúng ta đang bàn tới việc làm sao để kiểm soát quyền lực, rõ ràng đây cũng là một giải pháp để kiểm soát quyền lực. Tôi rất đồng tình với chủ trương này. Về lộ trình, tôi đồng tình với đề xuất làm từng bước, tuy nhiên, với các tỉnh có đông đồng bào dân tộc, chúng ta có những đặc thù để làm sao bố trí bí thư là người địa phương để tạo điều kiện xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tốt hơn".
Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, phát biểu: "Chúng ta đều biết rằng người địa phương thường có các mối quan hệ tình cảm, họ hàng, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, kể cả các thế hệ trước có công giúp đỡ mình. Cho nên nhiều khi khó xử, thậm chí rơi vào tình trạng duy tình trong giải quyết công việc. Tất nhiên tôi cũng hiểu rằng không phải là người địa phương sẽ có khó khăn về nắm địa bàn, nắm lòng dân, nhưng nếu chúng ta ở tại địa phương không phân định rõ sẽ dễ rơi vào tình trạng nể nang, né tránh, khó giữ nghiêm được kỷ cương, kỷ luật. Thiếu hụt về hiểu biết địa bàn, dân cư, kinh tế - xã hội… tự mình có thể lăn lộn, nghiên cứu bù đắp được nhưng vấn đề tình cảm thật sự là khó. Vì thế nên trong 2 cách chọn, tôi nghiêng về phương án chọn không phải là người địa phương".
Cùng liên quan đến đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, các ủy viên Trung ương đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể từ thực tiễn địa phương, cơ quan, bộ ngành mình đang công tác để góp phần giải đáp những vấn đề Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong phiên khai mạc, đó là làm sao để đề án này khi thực hiện phải khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, đồng thời xây dựng một cơ chế giám sát quyền lực và chính sách để cán bộ tâm huyết gắn bó với công việc, với đất nước, nhân dân.
Tại hội nghị lần này, Trung ương tập trung thảo luận về 3 đề án lớn: Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Trong đó, "Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" do ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, làm Trưởng Ban Chỉ đạo, xây dựng đề án. Gần 2 năm qua, hàng loạt công việc đã được tiến hành từ Trung ương tới địa phương để có đề án cuối cùng trình Hội nghị Trung ương 7.
Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 lần này nhằm ban hành nghị quyết mới thay thế nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đề án được xây dựng trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII và những đề xuất, kiến nghị của 128 cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Đề án gồm 5 phần: Mở đầu; thực trạng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; đánh giá tác động khi thực hiện đề án; tổ chức thực hiện và đề xuất, kiến nghị.
Ngoài ra, dự kiến Trung ương cũng sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 7; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng, thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp năm 2017; công tác cán bộ.
Dự kiến, Hội nghị Trung ương 7 sẽ làm việc 1 tuần, bế mạc vào ngày 12-5.
24h.com.vn