Theo Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, do ảnh hưởng của cơn bão số 12 (tên quốc tế là Damrey), nhiều chuyến bay tại sân bay Cam Ranh và Đà Lạt bị huỷ, hoãn.
Trong đó, Vietnam Airlines (VNA) hủy 8 chuyến giữa Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và Cam Ranh (gồm VN9556, VN9561, VN1557, VN7554, VN1944, VN1945, VN1344, VN9351); hủy 2 chuyến giữa TP HCM và Đà Lạt (gồm VN1380, VN1381). Kế hoạch bay bù phù hợp sẽ được triển khai trong ngày 5/11.
Còn hãng Vietjet cho biết đã ngừng khai thác các chuyến bay đi và đến sân bay khu vực miền Trung trong hôm nay, gồm VJ612 (TP HCM đi Cam Ranh); VJ611/VJ609/VJ613 (Cam Ranh – TP HCM), VJ778 (Cam Ranh – Hà Nội) và các chuyến bay quốc tế từ Hàn Quốc, Trung Quốc đi và đến sân bay Cam Ranh.
Trong bối cảnh thời tiết phức tạp, hãng lưu ý hành khách chỉ mang theo hành lý gọn nhẹ. Hãng cũng đã sẵn sàng kế hoạch bay tăng cường ngay khi thời tiết cho phép .
"Hành khách đang có kế hoạch đến, đi từ các sân bay Cam Ranh, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Đà Lạt, Pleiku, Buôn Ma Thuột trong thời gian này nên thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thông tin của các hãng nhằm chủ động lịch đi lại", đại diện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cho hay.
Trong khi đó, Tổng công ty đường sắt Sài Gòn nói rằng: "Chúng tôi đang theo dõi diễn tiến bão để cảnh báo thôi chứ kế hoạch chạy tàu chưa có gì thay đổi".
Nhiều chuyến bay của hãng Vietnam Airlines và Jetstar Pacific bị hủy, hoãn do bão. Ảnh:Xuân Hoa. |
Tại TP HCM, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão đã yêu cầu chủ bến tàu, chủ các tàu thuyền... chấp hành lệnh cấm xuất bến từ 1h hôm nay.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Hải Nam - Giám đốc Cảng vụ thành phố - cho biết, các tàu bè đi về Bắc (vào tầm ảnh hưởng của bão) mới bị cấm ra khơi, còn tàu đi về phía Nam vẫn được phép.
"Riêng tàu cánh ngầm các tuyến Sài Gòn – Vũng Tàu, tàu nhà hàng thì cấm tuyệt đối, không cho xuất bến vào thời điểm này. Phà nội địa được chạy cự ly gần nhưng thời tiết diễn tiến xấu cũng cấm luôn", ông Nam nói.
Chính quyền tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu ngưng tuyến vận tải đường biển Phan Thiết - Phú Quý.
Còn tại Quảng Ngãi, ông Lê Tấn Hải - Giám đốc Cảng Sa Kỳ cho biết tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn đã dừng hoạt động từ ba hôm trước, sáng qua hoạt động trở lại nhưng hiện phải dừng. Tại đảo Lý Sơn, các du khách nắm tình hình thời tiết nên chủ động dời đảo trước đó.
Tính đến trưa 3/11, tại các khu du lịch trên đảo ở vùng biển Khánh Hòa còn hơn 4.200 du khách, trong đó hơn một nửa là du khách nước ngoài. Hầu hết họ ở khu du lịch trên đảo Hòn Tre trong vịnh Nha Trang, một số ít ở khu du lịch đảo Hòn Tằm (Nha Trang) và đảo Bình Ba trong vịnh Cam Ranh.
Theo đại tá Hồ Thanh Tùng - chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh này, có 330 ngư dân trên 80 tàu thuyền đánh bắt hải sản của tỉnh đang trên đường vào bờ. Du khách tại các khu du lịch bị buộc phải ở lại tại chỗ, nhằm đảo bảo an toàn tính mạng khi mưa bão đến.
Bão Damrey tiếp tục di chuyển theo hướng Tây và tăng một cấp. Lúc 13h hôm nay tâm bão cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 450 km về phía Đông, gió mạnh nhất 135 km/h (cấp 12), giật cấp 15. Giữ nguyên hướng di chuyển với tốc độ khoảng 20 km/h đến sáng sớm 4/11, bão đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận với gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14, sau đó suy yếu dần. 10h cùng ngày, tâm bão ở trên đất liền ven biển các tỉnh Nam Phú Yên - Bắc Bình Thuận - sức gió gần tâm bão giảm còn 90 km/h (cấp 8-9), giật cấp 12. Sau đó, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến trưa 5/11, tâm áp thấp nhiệt đới ở khu vực miền Nam Campuchia, gió giảm xuống dưới 40 km/h. |
vnexpress.net