Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Hà Nội tổ chức thí điểm mô hình tránh nóng miễn phí tại 548 Trần Cung và 527 Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm). Hoạt động nằm trong dự án đầu do Hội Chữ thập đỏ Đức tài trợ.
Điểm tránh nóng được bố trí tại nhà văn hóa của tổ dân phố, nằm trong khu đông dân cư, nhiều người làm việc ngoài trời, công nhân, người bán hàng rong. Người lao động đến đây được dùng khăn lạnh, uống nước mát, ngủ trưa tại phòng điều hòa. Các tình nguyện viên, nhân viên y tế sẽ tư vấn biện pháp chống nắng, sơ cứu trường hợp say nắng, sốc nhiệt.
Một điểm tránh nóng miễn phí ở phố Trần Cung, Hà Nội. Ảnh: Tất Định.
"Chúng tôi mong muốn họ có chỗ nghỉ ngơi mát mẻ hơn vào buổi trưa để hồi phục sức khỏe làm việc buổi chiều", bà Hà nói và cho biết sau một tuần thí điểm đã có hơn 500 lượt người dân được hỗ trợ. Tổ chức này đang khảo sát để mở rộng thêm 13 điểm tránh nóng cố định ở thành phố.Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban quản lý thảm họa (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam), nhiệt độ mùa hè ở Hà Nội liên tục tăng qua các năm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân đô thị, đặc biệt nhóm thường xuyên lao động ngoài trời.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đang thiết kế mô hình điểm tránh nóng bằng xe buýt lưu động ở những nơi tập trung đông người lao động. Ngoài ra, các tình nguyện viên sẽ hỗ trợ sơn sửa, phủ bạt giảm bớt nhiệt độ trong các khu nhà trọ cho người thu nhập thấp.
Hoạt động thí điểm mô hình tránh nóng bắt đầu từ ngày 20/7 và kéo dài đến giữa tháng 9/2019. Sau đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ đánh giá hiệu quả để nhân rộng ra các thành phố khác ở miền Trung như Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh và Đà Nẵng.
Từ đầu hè đến nay, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ liên tục trải qua những đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ở Hà Nội nhiều ngày lên cao hơn 40 độ C. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhiệt độ trung bình năm 2019 trên cả nước cao hơn trung bình các năm trước 0,5-1 độ C.
Tất Định - vnexpress.net