Người Việt Odessa
Tin trong nước

Hà Nội: Bệnh nhân mắc sởi tăng hơn 10 lần

Thứ tư, 08/05/2019 | 04:02
Từ đầu năm tới nay, Hà Nội dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong do sởi, nhưng đã có 1.105 trường hợp mắc sởi, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm trước.
Các đơn vị có số mắc cộng dồn từ đầu năm đến nay cao là các quận, huyện Hoàng Mai (150), Thanh Xuân (76), Nam Từ Liêm (70), Hà Đông (63), Ba Đình (55), Đống Đa (53), Thanh Trì (53).

Trong tuần đầu tiên của tháng 5, số ca mắc sởi có chiều hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao (89 ca mắc/tuần). Và theo dự báo của Sở Y tế Hà Nội, dịch bệnh này có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới trong bối cảnh gia tăng chung của cả nước.  

Liên quan đến bệnh sởi, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), không chỉ riêng Việt Nam có dịch diễn biến khó lường, mà tại nhiều quốc gia, dịch sởi đang hoành hành.

Cụ thể, theo số liệu công bố của WHO, trong 3 tháng đầu năm nay, số ca mắc sởi trên toàn thế giới đã tăng 300% so với cùng kỳ năm 2018. Đây được xem là sự bùng phát mạnh nhất trong lịch sử của bệnh sởi. Tính đến hết tháng 3, đã có 112.163 ca nhiễm sởi tại 172 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi đó, cùng kỳ năm 2018 chỉ là 28.123 ca.

Điều đáng báo động là bệnh sởi tái xuất hiện ở cả các quốc gia giàu có, nơi tỷ lệ tiêm vaccine thường cao và cả những quốc gia từng tuyên bố thanh toán dịch bệnh này. Chẳng hạn, Nhật Bản từng tuyên bố xóa sổ bệnh sởi, song từ đầu năm tới nay đã lại ghi nhận hơn 200 ca nhiễm. Tương tự, số ca nhiễm sởi tại Mỹ là hơn 460 ca, cao nhất kể từ năm 1991; hơn một nửa số ca nhiễm là ở New York và thành phố này đã phải ra tuyên bố bệnh sởi là tình trạng khẩn cấp về y tế, đồng thời ra lệnh bắt buộc tiêm vaccine tại một số khu vực của thành phố.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Dịch sởi 2019 tiếp tục bùng phát ở nhiều nơi, hầu hết do trẻ không tiêm vaccine.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung dưới đây nhằm phòng chống dịch sởi: Chủ động đưa con em mình từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi, hoặc trẻ từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi đến trạm y tế xã, phường để tiêm phòng sởi.

Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh.

Vì sởi dễ lây, do đó không được cho trẻ đến gần hoặc tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc cho trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Người lớn chưa tiêm vaccine phòng sởi cần chủ động đi tiêm tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.

baochinhphu.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN