Tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc
Trao đổi với PV, Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng, đạo Phật cho biết, ông ủng hộ đề nghị của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc bỏ các mê tín dị đoan, tục đốt vàng mã trong các cơ sở, tự viện, chùa.
Tuy nhiên, Giáo sư Biền cho hay, Giáo hội Phật giáo VN kêu gọi như vậy thì bản thân ông thấy mới được một nửa, bởi Giáo hội đang nghĩ đơn phương với các chùa còn nhân dân nói chung chưa được nhắc tới.
"Lẽ ra, Giáo hội nên đề nghị nhân dân Việt Nam đừng đốt vàng mã nữa và không đốt vàng mã trong không gian các chùa. Chính các chùa, các nhà sư, vị trụ trì trong chùa phải làm gương đầu tiên trong việc không đốt vàng mã, không hướng dẫn bà con, phật tử mua vàng mã về đốt... thì mọi thứ sẽ toàn vẹn", GS Biền nói.
Vị Giáo sư nêu rõ, tục đốt vàng mã thực tế không phải của Việt Nam mà có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Cụ thể, lịch sử Trung Quốc ghi lại vào trước thế kỷ thứ 6, khi các vua chúa chết đi thường chôn theo những người thân cận và vật sử dụng khi sống.
Sau đó, vào thời Đường, người ta đã nghĩ ra người hình nhân thế mạng để chôn thay cho người sống. Vàng mã là đồ giả và người ta tin rằng, khi hóa đi nó sẽ trở thành đồ thật để người âm sử dụng. Như vậy, khởi đầu của vàng mã là sự tiến bộ của một thời kỳ lịch sử.
Sau đó, do sự ảnh hưởng về văn hóa trong một thời gian dài nên tục đốt vàng mã lan dần sang nước ta.
"Khi sang nước ta, tục đốt vàng mã dần thay đổi bởi tâm lý "ghen vợ, ghen chồng không bằng ghen đồng, ghen bóng". Người này thấy người kia mã to hơn là khó chịu, không bằng anh bằng em nên mình cũng phải mua mã to, đẹp hơn để đốt.
Ngoài ra, người Việt còn có suy nghĩ "tốt lễ dễ kêu" khiến người ta đặt cược với thần linh, đua nhau làm nhiều vàng mã to lớn. Không những vậy, con đường ganh đua mang tính vô thức, kéo cõi bên kia về cõi thực tại theo kiểu "trần sao âm vậy".
Các loại máy bay, tàu thuyền, ô tô, biệt thự, xe máy, điện thoại... bằng giấy được người trần gửi xuống cho người cõi âm.
Khi tư tưởng đố kỵ, ghen ăn, tức ở của đời nhảy vào lĩnh vực này thì tất yếu sẽ đẩy cho vàng mã trở nên càng to lớn, tràn lan và nhiều hệ lụy xấu", GS Biền nêu rõ.
Đốt vàng mã nhiều chỉ là sự bất hiếu
Theo Giáo sư Biền, để làm rõ vấn đề này cần phải trả lời câu hỏi, đồ mã làm ra để cho ai?
Trước hết, GS Biền cho rằng, phải khẳng định thần linh thì không cần đồ mã và thần linh ở trên trời nên cũng không ai đốt, dâng vàng mã lên đó cả.
Còn ở thế gian này thì đồ mã cũng chẳng thể cho người sống dùng được nên đồ mã suy cho cùng chỉ để cho người chết và trong cổ tích người Việt thì người âm phủ lên chơi dân gian rất nhỏ bé, có thể trèo cả lên cây ớt mà không gãy cành.
"Do vậy, đồ hàng mã làm cho người cõi âm cũng phải nhỏ bé với mục đích để người cõi âm không bị át vía bởi những vật to lớn hơn mình. Tuy nhiên, hiện nay vì khoe mẽ với đời, vì tâm lý "mã to được lộc to" người trần gửi xuống âm những ông voi, ông ngựa, ngôi nhà to lớn...
Người đã khuất nhỏ bé nhưng lại lấy đồ to lớn ra đe dọa thì rõ ràng là điều cấm kỵ, xúc phạm, bỉ báng người cõi âm", GS Trần Lâm Biền bày tỏ.
Ông cũng lấy ví dụ, có người vì "oai" nên gửi cho người đã khuất cả máy bay để người âm đi lại dễ dàng, nhưng theo quan niệm dân gian, người cõi âm có năng lực "phân thân", không phụ thuộc vào không gian, thời gian.
"Chẳng hạn như có hai người con trai ở hai địa điểm khác nhau đều làm giỗ cha cùng một giờ, ngày và tấm lòng thành của họ đều được cha đón nhận cùng lúc cũng như việc di chuyển của linh hồn là tức thì.
Vậy đốt máy bay, ôtô, xe máy cho linh hồn có khác gì làm hạn chế khả năng di chuyển của và rõ ràng là có tội.
Chưa kể những thứ khác như máy giặt, điện thoại di động, iPhone... hay quan niệm "trần sao âm vậy", người sống phải gửi nhiều tiền vàng, kể cả làm tiền đô la âm phủ để các cụ dưới âm tiêu rồi đi đút lót quan...
Việc này chẳng khác gì đem cái hèn kém, tiêu cực, xấu xa, cái rác rưởi của tâm hồn thế gian để tràn vào cõi thiêng liêng và đây là sự bất hiếu chứ chẳng phải có hiếu", GS Biền chĩ rõ.
Vị GS này nhấn mạnh thêm, đồ mã không hề có linh hồn mà chỉ là thứ đồ giấy, vô tri, vô giác, đốt là cháy thành tro.
"Việc bỏ ngay thì sẽ khó, nhưng nên tuyên truyền để người dân thấy nếu sử dụng vàng mã vừa đủ sẽ biểu hiện sự thành kính, văn hóa còn khi sử dụng quá lên sẽ thấy nó lòe loẹt và trở nên thiếu văn hóa", GS Biền chỉ rõ.
Cùng chia sẻ với PV, Hòa thượng Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc (Hà Nội) khẳng định, trong giáo lý nhà Phật không có bất cứ điều nào, kinh nào dạy về việc đốt vàng mã.
Hòa thượng Nhã cho rằng, đồng bào phật tử nên dùng tiền mua vàng mã đốt để làm việc thiện cho đời sẽ tốt hơn rất nhiều, bởi "cứu một người dương gian bằng ngàn người âm phủ".
soha.vn