Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kết hợp với hội tụ gió trên cao, trong ngày 24/1 đến 17h ngày 25/1, các tỉnh Bắc Bộ có mưa vừa đến mưa to, cụ thể: Đình Lập (Lạng Sơn) 104mm, Bến Hồ (Bắc Ninh) 120mm, Láng (Hà Nội) 117mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 110mm, Tiên Hưng (Thái Bình) 126mm.
Tính đến 17h00 ngày 25/1 (tức mùng 1 Tết) mưa đá kèm theo giông lốc đã làm 11.914 nhà bị hư hại, tốc mái một phần: Cao Bằng: 6.463 nhà; Bắc Kạn: 3.450 nhà hư hại một phần mái; Lạng Sơn: 2.000 nhà hư hại nhẹ (thống kê ban đầu); Thái Nguyên: 01 nhà, 01 điểm trường bị ảnh hưởng; Trực ban đã nắm thêm thông tin từ các tỉnh có mưa lớn như Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định,… nhưng chưa có thông tin về thiệt hại.
Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng nhanh chóng khắc phục, sửa chữa tạm thời để đón Tết (phần lớn các hộ bị thiệt hại một phần).
Mưa đá rơi tráng ruộng ở Simacai (Lào Cai). Ảnh: Lào Cai 24h.
Ngay trong sáng nay 25/1, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai do Bộ trưởng – Phó trưởng Ban Thường trực Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn trực tiếp lên Bắc Kạn để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
Theo bản tin mới nhất phát đi lúc 16h30 của Trung tâm Dự váo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ ngày 26-29/1 (từ ngày mùng 2- 5 Tết), khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa nhỏ vài nơi, từ ngày 27/1 có mưa phùn và sương mù vào đêm và sáng.
Nhiệt độ cao nhất 14-17oC, riêng Điện Biên và Lai Châu 24-27oC; Nghệ An và Hà Tĩnh 17-20 độ; nhiệt độ thấp nhất 11-14oC. Trời rét, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét đậm, vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá.
soha.vn