Sáng nay, Bộ TT&TT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, một trong những điểm nhấn của ngành TT&TT năm 2017 là việc Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc triển khai các biện pháp nhằm tăng cường việc quản lý các DN cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, nổi bật là 2 mạng xã hội lớn của 2 DN nước ngoài Google và Facebook.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn |
Bộ trưởng thông tin, hiện nay Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ được khoảng 4.500 video clip xấu độc trên trang Youtube trong khoảng 5.000 video clip theo yêu cầu của Bộ TT&TT; Facebook đã gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo, 394 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo ở cả TƯ và các địa phương lạm quyền, lợi dụng vị trí và công việc để trục lợi và làm trái pháp luật, trái đạo đức nghề nghiệp vẫn còn tồn tại, tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với báo chí.
Các hành vi vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, với hình thức thay đổi liên tục, khó phát hiện; các thế lực thù địch lợi dụng sự phát triển của công nghệ để thường xuyên phát tán thông tin xấu độc trên các dịch vụ nền tảng nước ngoài…
VN vẫn là 1 trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới, một số trang thông tin của các cơ quan, đơn vị vẫn bị xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát.
“Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ đang ở mức báo động. Hiện tượng mất an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử cũng ngày càng gia tăng về số lượng”, Bộ trưởng thông tin.
Trong năm 2018, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh một số nhiệm vụ với ngành TT&TT: Đẩy mạnh chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, biển, đảo; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng cờ thi đua của Chính phủ cho báo VietNamNet |
Thực hiện hiệu quả các quy định của luật Báo chí. Tăng cường quản lý báo chí, phóng viên, văn phòng đại diện cơ quan báo chí tại địa phương; không để xảy ra tình trạng thông tin sai sự thật, sách nhiễu doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý thông tin trên mạng internet, quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung nước ngoài vào Việt Nam; giảm thiểu tác động tiêu cực của các thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội.
“Tới đây Bộ sẽ có buổi làm việc với các cơ quan liên quan và DN viễn thông nhằm xử lý thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Bộ cũng đang nghiên cứu, tham khảo xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên môi trường mạng xã hội”, Bộ trưởng cho biết.
Báo chí có sơ suất thì phải xử lý kịp thời
Tới dự và phát biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả đạt được của Bộ TT&TT trong năm qua.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Đề cập vấn đề quản lý báo chí, Phó Thủ tướng đề nghị cần phải làm thật tốt để các báo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và hoạt động năng động nhất, đưa giá trị tốt cho xã hội. Theo ông, trong báo chí không tránh khỏi sơ suất, tuy nhiên nếu có sơ suất thì phải xử lý kịp thời.
Về quy hoạch báo chí, Phó Thủ tướng cho hay, theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị, Bộ TT&TT không cần phải “đao to búa lớn” gì mà chỉ cần sắp xếp trước, làm xong các cơ quan báo chí thuộc Bộ thì các đơn vị khác cũng sẽ làm được ngay.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn tặng cờ thi đua của Bộ cho 7 cơ quan, đơn vị |
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, một trong những thiên chức thường xuyên và xuyên suốt của Bộ TT&TT là trong mọi hoạt động phải tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội, huy động toàn xã hội tham gia công việc của mình từ thông tin báo chí tuyên truyền.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tặng cờ thi đua của Chính phủ cho 6 tập thể của Bộ TT&TT, trong đó có báo VietNamNet vì đã hoàn thành xuất sắc công tác năm 2017.
Cá nhân xin họp báo quản lý cách nào? Tại hội nghị, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Phan Lan Tú mong Bộ TT&TT có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức họp báo. Theo bà, có nhiều cuộc họp báo với nội dung không phù hợp hoặc không đúng chuyên ngành nên mất nhiều thời gian để thẩm định. Nhưng theo quy định nếu gửi nội dung xin phép họp báo sau 24 giờ, mà không có ý kiến nghĩa là được họp báo. “Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn về việc này, bởi nếu không cấp phép thì không đúng quy định vì gây khó khăn trong quyền phát ngôn của tổ chức, cá nhân. Nhưng nếu cấp phép nhiều trường hợp sẽ gây bất ổn", bà Tú cho biết. Trao đổi lại, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Lưu Đình Phúc cho biết, không có quy định xây dựng nghị định hướng dẫn vấn đề này, mà căn cứ theo điều 41 của luật Báo chí để thực hiện. Theo ông, mọi tổ chức, cá nhân khi có vấn đề khúc mắc có quyền tổ chức họp báo để thông tin lại báo chí để nhân dân được biết. “Thực tế nhiều cá nhân xin họp báo vì họ không có diễn đàn để nói ra những vấn đề liên quan đến chính bản thân”, ông Phúc nói. Ông Lưu Đình Phúc cho biết, vấn đề thuộc trách nhiệm của Sở phải thẩm định nội dung họp báo không vi phạm những điều cấm trong luật Báo chí. Ngoài ra, cấp sở cũng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát cá nhân xin họp báo có thực hiện đúng nội dung đăng ký hay không. |
vietnamnet.vn