Người Việt Odessa
Tin trong nước

Đi tất cả các loại xe chỉ bằng 1 thẻ

Thứ ba, 06/11/2018 | 02:10
Sở GTVT TP HCM hướng đến việc áp dụng vé điện tử liên thông, tức chỉ với 1 tấm thẻ nhưng có thể sử dụng để đi xe buýt hoặc bất cứ loại hình vận tải hành khách công cộng nào

UBND TP HCM vừa chấp thuận chủ trương ngừng dự án đầu tư hệ thống bán vé xe buýt tự động theo hình thức PPP (đối tác công tư) bằng hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) như đề xuất của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP để tiến hành tích hợp một tấm thẻ nhưng có thể sử dụng cho tất cả loại hình vận tải hành khách công cộng.

Dừng vì thấy trước sự lãng phí

Về việc ngừng dự án trên, theo Sở GTVT TP là do hệ thống giao thông công cộng (GTCC) trong tương lai sẽ có nhiều loại vé tự động khác nhau như metro, xe buýt nhanh… Vì vậy, nếu mỗi đơn vị có một hệ thống bán vé tự động thì khi tiến hành thống nhất chắc chắn sẽ lãng phí bởi chi phí thực hiện kết nối và liên thông các hệ thống không đồng nhất về công nghệ lại với nhau là không nhỏ. Đó là chưa kể tình huống xấu nhất phải loại bỏ, trong khi mỗi hệ thống đầu tư riêng lẻ tiêu tốn hàng chục, thậm chí cả trăm tỉ đồng.

Ngoài lý do trên, theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông và công nghệ cũng như ghi nhận thực tế của phóng viên thì hình thức bán vé tự động ở một số tuyến xe buýt tại TP HCM nói là tự động nhưng vẫn tồn tại hàng loạt bất tiện. Đó là ở một số xe buýt bán vé tự động, máy bán vé hiện không nhận dạng được các loại tiền, mệnh giá, trong khi có nhiều loại vé áp dụng cho các đối tượng khách khác nhau như học sinh, sinh viên, người khuyết tật… dẫn đến tài xế phải vẫn phải làm thay các công đoạn này. Chính vì vậy, nhiều tuyến xe buýt hiện dù áp dụng bán vé tự động nhưng chủ xe vẫn phải thuê nhân viên thu vé theo hình thức thủ công.

Đi tất cả các loại xe chỉ bằng 1 thẻ

Khi toàn bộ xe buýt ở TP HCM đều “thông minh” thì tình trạng thất thoát vé, tiền, gian lận trong thống kê lượng hành khách sẽ không còn Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý GTCC (thuộc Sở GTVT TP), cho biết năm 2015, UBND TP duyệt dự án "Đầu tư hệ thống vé điện tử trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt" theo hình thức hợp đồng BOO với tổng mức đầu tư gần 263 tỉ đồng, chi phí quản lý vận hành trong 10 năm là hơn 321 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Trung cũng thừa nhận hệ thống vé điện tử như trên không còn phù hợp với tình hình thực tế nên phải ngưng để đánh giá lại.

Ứng dụng công nghệ triệt để

Để khắc phục những bất cập trên và dần ứng dụng công nghệ một cách toàn diện, triệt để và đồng nhất vào công tác quản lý, điều hành xe buýt, Sở GTVT TP đang tính toán đầu tư hệ thống thanh toán tự động dùng cho tất cả các loại phương tiện GTCC như metro, xe buýt nhanh… Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ đầu tư trước phần lõi, hệ thống điều khiển trung tâm làm cơ sở mở rộng, liên thông các hệ thống thanh toán tự động vận tải công cộng khác sau này, hệ thống điều khiển trung tâm, thiết bị liên quan trên các phương tiện. Tổng mức đầu tư dự kiến là 79 tỉ đồng. Do đó, Sở GTVT sẽ nghiên cứu theo hướng sử dụng vé điện tử liên thông, tức chỉ với một tấm thẻ nhưng có thể sử dụng để đi xe buýt hoặc bất cứ loại hình vận tải hành khách công cộng nào. "Trước mắt, Sở GTVT đang nghiên cứu thực hiện thí điểm mô hình thanh toán mở thông qua nhiều hình thức, dự kiến từ nay đến cuối năm 2018 sẽ áp dụng trên một số tuyến xe buýt" - Sở GTVT TP thông tin.

Cũng theo Sở GTVT TP, định hướng giai đoạn 2 là xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thanh toán tự động dùng trong GTCC, triển khai trung tâm quản lý giao dịch và thanh toán bù trừ chung trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng đa phương thức trên địa bàn TP.

Ngoài ra, ông Trung cũng nhìn nhận Trung tâm Quản lý GTCC TP đang đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ vào các hoạt động quản lý điều hành. Cụ thể, trung tâm đang tăng cường nâng cấp hệ thống kiểm soát và thông tin xe buýt (BMS), giúp hành khách tra cứu các thông tin liên quan đến xe buýt thông qua những bảng thông tin trực tuyến đặt tại các nhà chờ. "Những bảng thông tin này tập trung ở trục đường chính, hiện đã có 21 bảng và dự kiến đến hết năm 2018 sẽ tăng thêm 23 bảng" - ông Trung nói.

Đặc biệt, ông Trung cho hay hiện Sở GTVT đang triển khai đầu tư thí điểm hệ thống kiểm soát và quản lý xác nhận chuyến xe thông qua công nghệ RFID (công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) tại 3 bến xe buýt lớn là Công viên 23 Tháng 9 (quận 1), Bến xe An Sương (quận 12) và ĐHQG (quận Thủ Đức). Cuối cùng, ông Trung khẳng định Trung tâm Quản lý GTCC TP đang từng bước nâng cấp hệ thống quản lý và giám sát tại trung tâm, giúp theo dõi trực tuyến cũng như thống kê toàn bộ các hoạt động liên quan đến xe buýt. 

nld.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN