Tại phiên làm việc sáng 16/4, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình dự kiến nội dung kỳ họp thứ 7 với phần chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra gần ba ngày (4-6/6).
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, kỳ họp thứ 6 đại biểu đã chất vấn tất cả lĩnh vực, các bộ trưởng đều phải đăng đàn. Điều này hay, nhưng nếu kỳ họp thứ 7 tiếp tục làm cách này thì "không thật cần thiết".
"Tôi nghĩ nên quay trở lại việc gợi ý chuyên đề để một số bộ trưởng trả lời. Thời gian chất vấn nên gói gọn trong hai ngày", bà Phóng nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến, ở một số nước Quốc hội tổ chức chất vấn thường xuyên, mỗi tuần hai ngày chất vấn, mỗi phiên kéo dài hai giờ và không chọn chuyên đề, đại biểu bức xúc gì thì bộ trưởng phải trả lời. Vì vậy, trong hai ngày đó các bộ trưởng phải có mặt đầy đủ để trả lời.
"Vừa rồi chúng ta chất vấn như vậy được cử tri khen, nói nên làm như thế, nhưng chúng ta chỉ làm phiên giữa nhiệm kỳ thôi", bà Ngân nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với việc chất vấn tất cả bộ trưởng nên làm một lần vào giữa nhiệm kỳ và kỳ họp này nên quay lại như bình thường. "Lần trước chúng ta làm rất hay, nhưng nhiều bộ trưởng cũng tâm tư là nếu tiếp tục lần này chất vấn, lần sau kiểm tra việc thực hiện lời hứa thì sẽ có những bộ trưởng không phải trả lời", bà Nga nói.
Kỳ họp thứ 6 dự kiến khai mạc ngày 20/5, bế mạc ngày 13/6.
Tại kỳ họp thứ 6 cuối năm 2018, lần đầu tiên Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề, không chọn người trả lời mà chất vấn tất cả thành viên Chính phủ. Những bộ trưởng, trưởng ngành nào có nội dung liên quan đều phải trả lời.
Phiên chất vấn được tổ chức theo hình thức "hỏi nhanh, đáp gọn". Mỗi đại biểu hỏi một câu trong một phút và bộ trưởng trả lời mỗi câu trong 3 phút; ba đại biểu hỏi 3 câu một lúc để bộ trưởng trả lời 3 câu trong 9 phút, nếu quá thì sẽ cắt (hiện mỗi đại biểu thường hỏi trong 3 phút, bộ trưởng trả lời trong 7 phút).
Kỳ họp thứ 7 sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật, một dự thảo nghị quyết gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Quốc hội sẽ cho ý kiến 8 dự án luật gồm Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.
Hoàng Thùy - vnexpress.net