Ngày 17-11, phiên tòa xét xử ông Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) cùng 91 bị cáo khác trong vụ đánh bạc ngàn tỉ tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi các bị cáo trong nhóm tội tổ chức đánh bạc.
2 ông Phan Văn Vĩnh (sau) và Nguyễn Thanh Hóa (trước) được dẫn giải tại phiên tòa - Ảnh: TNO
Tại phiên tòa sáng nay 17-11, HĐXX công bố 2 văn bản của các luật sư bào chữa cho 2 bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa (cựu thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), Bộ Công an) với các đề nghị bất ngờ đối với 2 bị cáo này.
Nội dung văn bản nêu quá trình diễn ra phiên tòa, 2 ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa thường xuyên phải vào khu vực y tế để uống thuốc. Do vậy, đề nghị HĐXX cho phép các bị cáo vào phòng y tế và uống thuốc thường xuyên.
Đồng thời, nội dung 2 văn bản cũng đề nghị các cơ quan truyền thông đưa tin chính xác, tránh đưa thông tin bất lợi cho các bị cáo.
Phan Sào Nam (bìa trái) và Huỳnh Trọng Văn tại phiên tòa
Trước đó, tới chiều ngày 16-11, phiên tòa tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi các bị cáo trong nhóm tội tổ chức đánh bạc.
Theo điều tra, "ông trùm" đường dây đánh bạc ngàn tỉ Phan Sào Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC Online), nhờ Huỳnh Trọng Văn (giám đốc Công ty ODS) xử lý giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng cách mua hóa đơn đầu vào với chi phí 10% trên tổng giá trị ghi trên hóa đơn. Sau đó, 2 công ty do Nam điều hành hoặc mượn pháp nhân gồm Công ty Nam Việt và VTC Online ký hợp đồng thuê máy chủ, đường truyền của ODS.
Hai bên thỏa thuận Phan Sào Nam chuyển tiền cho ODS theo doanh số trên hóa đơn, sau đó công ty do Huỳnh Trọng Văn điều hành sẽ chuyển lại khoảng 90% số tiền vào tài khoản do Nam chỉ định. Từ tháng 8-2015 đến đầu 2017, Văn bán cho Công ty Nam Việt và VTC Online 36 hóa đơn GTGT khống với tổng doanh số hơn 85 tỉ đồng. Văn chuyển lại tài khoản của phía Nam hơn 78 tỉ đồng và hưởng lợi 7,8 tỉ đồng còn lại.
Tại phiên tòa ngày 16-11, Văn khai theo thỏa thuận ban đầu với Nam, bị cáo đã nâng giá trị hợp đồng, nâng số lượng máy chủ. Công ty cho Nam Việt và VTC online thuê 93 máy chủ, sau đó mới nâng khống số lượng lên 267 máy để xuất hóa đơn GTGT.
Theo Văn, thực chất công ty này nhận chỉ 7,8 tỉ đồng nhưng phải chi đến 7,6 tỉ đồng chi để bảo trì, vận hành 93 máy chủ đã cho phía Nam thuê. Số tiền Công ty ODS còn được lợi nhuận trong hợp đồng là 116 triệu đồng. Do vậy, bị cáo mong HĐXX xem xét trừ các khoản chi hợp lý khi đánh giá số tiền hưởng lợi bất chính.
Được mời lên đối chất, Phan Sào Nam xác nhận việc Văn khai bán hóa đơn là đúng sự thật. Tuy nhiên, Nam không nhớ một số chi tiết, trong đó có việc công ty của Văn bàn giao máy chủ cho các đơn vị thuê.
Bị cáo Đỗ Bích Thủy
Để làm rõ các hành vi phạm tội trong nhóm này, HĐXX tiếp tục thẩm vấn bị cáo Đỗ Bích Thủy, chủ tịch HĐTV kiêm giám đốc Công ty TNHH Phát triển nhà và đất Nam Việt. Theo lời Đỗ Bích Thủy, Phan Sào Nam là con của dì ruột. Nam đã gặp hỏi mượn pháp nhân Công ty Nam Việt để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến. Thủy đồng ý cho Nam mượn danh công ty để tiến hành các công việc cần thiết.
Về hành vi của mình, bị cáo Thủy khai: "Bị cáo đồng ý cho Nam mượn pháp nhân vì tin tưởng Nam là em của mình. Bị cáo không coi hợp đồng mà chỉ thấy nói đó là hợp đồng phát triển phần mềm cho VTC Online"- bị cáo nghẹn ngào nói.
Nhận thức về hành vi của mình, bị cáo Thủy nói: "Từ khi bắt đầu làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo nhận thấy việc làm của mình giúp sức cho Nam là sai lầm, trong lương tâm bị cáo nói không thể chấp nhận được. Sau khi làm việc với cơ quan an ninh điều tra và 5 ngày trước tòa, bị cáo nhận thấy hành vi đã giúp sức cho Nam trong việc tổ chức đánh bạc"- Thủy phân trần.
nld.vn