Trao đổi bên lề QH sáng nay, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng giờ là thời kỳ công nghệ 4.0 nên cách thức quản lý lao động cũng khác xưa rất nhiều.
ĐB đề xuất có thể cho phép công chức, viên chức một số lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, quản trị phần mềm, kinh doanh, xây dựng chương trình dự án... có thể làm việc tại nhà, 1 tuần chỉ cần đến cơ quan 1, 2 buổi. Ông cũng kiến nghị TP.HCM thí điểm trước, kế đó là Hà Nội.
Đến cơ quan rất chăm chỉ nhưng việc vẫn chậm
Theo ĐB, đã đến lúc các nhà quản lý phải đổi mới tư duy để nâng cao hiệu quả công việc. Thực tế có rất nhiều ngành nghề nếu làm việc ở quán cafe sẽ nảy ra nhiều sáng kiến rất hay thay vì đến cơ quan mỗi ngày. Nhiều ý tưởng hơn thì chắc chắn là kết quả công việc sẽ tốt hơn.
ĐB Ngọc Duy Hiểu trao đổi bên lề QH |
Hay như taxi truyền thống, quản lý người lái xe bằng nhiều cách nhưng lại không hiệu quả bằng Uber, Grab. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, các DN này chỉ quản lý đầu vào và doanh số, còn lại cho tài xế chủ động hoàn toàn.
“Chúng ta đừng nghĩ đến cơ quan là quản lý được họ về công việc. Thậm chí có những cán bộ đến cơ quan rất chăm chỉ, hàng ngày, nhưng giải quyết công việc rất chậm, thiếu hiệu quả. Họ không xong ta vẫn phải sửa”, ông Hiểu phân tích.
ĐB dẫn chứng thêm, tại các cơ quan nhà nước, nhìn lại hầu hết là lao động hoàn thành công việc, rất hiếm khi có người không hoàn thành dù có nơi có tới 80-90% đơn thư của dân chưa được giải quyết. Câu chuyện tại Bạc Liêu được Thủ tướng nhắc vừa qua là một minh chứng.
“Đây là cách tiếp cận mới, chúng ta đang mong muốn thí điểm thành phố thông minh thì phải có cơ chế thông minh, quản lý người lao động thông minh”, ĐB Ngọ Duy Hiểu chia sẻ và cho rằng ngay từ bây giờ, nhiều cơ quan vẫn có thể chủ động thí điểm tại đơn vị mình.
“Nhiều DN đã làm thành công, nhiều nước cũng đã làm cho nên không có lý do gì ở khu vực hành chính mà chúng ta không làm được”, ông Hiểu nói thêm.
Họp hành làm mất rất nhiều thời gian
ĐB Ngọ Duy Hiểu cho rằng, tất cả những ngành nào lãnh đạo có thể kiểm soát được lao động của mình khi họ làm việc bên ngoài cơ quan thì đều có thể thí điểm.
“Không đến cơ quan làm việc đỡ được nhiều chi phí điện nước, giấy tờ tài liệu. Đặc biệt giảm được họp hành rất nhiều, việc này làm mất rất nhiều thời gian. Thay vì một lãnh đạo cứ phải đi đôn đốc, kiểm tra các phòng đang làm việc thế nào thì ông có thời gian ngồi tư duy và nhân viên chủ động làm việc rồi gửi lại kết quả”, ông Hiểu nêu.
Với quan điểm trên, ĐB đánh giá hình thức chấm công bằng vân tay, quẹt thẻ hiện nay chỉ đúng với một số cơ quan nhưng gây ức chế cho nhiều lao động.
“Một người có thể đến cơ quan cả ngày nhưng đến sớm, về muộn, trong giờ nói chuyện điện thoại, mua sắm trên mạng… thì hiệu quả không được bao nhiêu”, ĐB nêu thực tế.
Ngay cả với các ĐBQH chuyên trách, ĐB cho rằng đừng bao giờ đặt ra yêu cầu quản lý thời gian vì họ phải lăn lộn dưới cơ sở 10-15 ngày. Cuối cùng sau khi về, quan trọng ĐB phát hiện được gì từ thực tiễn để đưa vào chính sách.
Trước câu hỏi: “Nếu cán bộ công chức, viên chức không đến cơ quan, khó kiểm soát được giờ giấc và việc làm của họ ở bên ngoài, điều này có ảnh hưởng gì không tới đạo đức công vụ?”, ĐB Ngọ Duy Hiểu nhắc lại, việc này áp dụng tùy từng lĩnh vực, ngành nghề chứ không phải tất cả.
Ông cũng tin tưởng, trong tương lai với cách thức quản lý lao động mới sẽ có cách kiểm soát mới thông qua hiệu quả công việc, ứng xử với dân.
“Nếu chúng ta công khai cho người dân đánh giá từng công chức theo mã số, theo tổng kết hàng tháng thì thay vì phải dùng hòm thư góp ý, người dân chỉ cần bấm bằng điện tử. Điều này vừa chủ động, vừa khách quan và an toàn khi góp ý”, ĐB Ngọ Duy Hiểu đề xuất.
vietnamnet.vn