Đại sứ Aliberty nói: Tôi cảm thấy rất may mắn khi Việt Nam và EU đang ở giai đoạn quan hệ tốt đẹp nhất trong lịch sử tính đến thời điểm này.
Đất nước Việt Nam đang thu hút được nhiều sự chú ý từ EU; chúng tôi coi Việt Nam là đối tác rất tiềm năng trong nhiều lĩnh vực. Việc chúng ta đã kí kết được những hiệp định gần đây như EVFTA và EVIPA là những dẫn chứng cụ thể.
Các hiệp định này đang trong quá trình xem xét phê chuẩn ở cả hai phía. Tuần trước đã có một phái đoàn các nghị sĩ Châu Âu đến Việt Nam để tìm hiểu thực tế trước khi Nghị viện Châu Âu đưa ra quyết định phê chuẩn các hiệp định. Bên cạnh đó, còn một số hiệp định khác cũng đã được kí kết và đi vào thực thi.
Đó chính là những minh chứng cho quan hệ giữa Việt Nam và EU đã được củng cố mạnh mẽ.
Khuôn khổ bao trùm quan hệ giữa hai bên chính là Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên minh châu Âu (PCA). Đây là sự khởi đầu trong quan hệ giữa hai bên bao gồm rất nhiều lĩnh vực. Trong khuôn khổ đó chúng ta có hợp tác EVFTA, hợp tác lâm nghiệp (Flexti), Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) cho phép Việt Nam có được sự đảm bảo xuất khẩu sản phẩm lâm nghiệp hợp pháp sang thị trường EU.
Ngày 17/10 vừa qua, Việt Nam và EU cũng đã kí kết được hợp tác về quốc phòng an ninh. Tôi đã sang Bỉ cùng Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam kí kết với đại diện cấp cao của EU về Hiệp định này. Hiệp định này cho phép Việt Nam tham gia vào xử lí các hoạt động khủng hoảng của EU. Đây là lĩnh vực hợp tác rất mới giữa hai bên.
Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia, kí kết Flexti với EU và là quốc gia thứ hai ở Châu Á, sau Hàn Quốc, kí kết Hiệp định an ninh - quốc phòng (FPA) với EU.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi là những thách thức vô cùng to lớn bởi vì giai đoạn thực thi của các Hiệp định vô cùng phức tạp.
Đại sứ Giorgio Aliberti: ‘EU và Việt Nam đang có quan hệ tốt đẹp nhất trong lịch sử’
Ông có thể cho biết một số thông tin liên quan Hiệp định hợp tác an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và EU?
Hiệp định FPA cho phép Việt Nam cử những sĩ quan, cán bộ, lực lượng dân sự hay những người cung cấp các hoạt động đào tạo cho các hoạt động quản lí khủng hoảng của liên minh Châu Âu.
Châu Âu là nhà tài trợ lớn trên thế giới, bên cạnh đó cũng là chủ thể an ninh rất quan trọng cho thế giới ở khía cạnh quản lí hoạt động khủng hoảng dân sự. Hiện nay chúng tôi có 16 phái bộ tại các địa bàn nóng trên thế giới với hợp tác các đối tác an ninh. Nếu không kí kết những Hiệp định như vậy thì không thể nào trực tiếp tham gia vào các hoạt động của EU. Vì vậy, qua kí kết này, Việt Nam có thể cử các sĩ quan tham gia vào hoạt động của chúng tôi.
Việc hợp tác này rất quan trọng giúp Việt Nam nâng cao năng lực, trở nên sẵn sàng hơn cho các hoạt động tương tự đang hợp tác với Liên Hiệp Quốc trong vấn đề gìn giữ hoà bình.
Chúng ta có thể nhìn thấy hai khía cạnh chính trị, vận hành từ việc kí kết Hiệp định hợp tác an ninh quốc phòng.
Về mặt chính trị, Hiệp định tạo ra cơ chế đối thoại về an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và EU. Việt Nam có thể cùng thảo luận về những lĩnh vực gì phải làm trong hợp tác với nhau. Đồng thời mở ra cơ hội cho Việt Nam cử những sĩ quan, cán bộ tham gia cùng EU trong hoạt động quản lí khủng hoảng.
Đó cũng là tín hiệu mạnh mẽ gửi đi rằng Việt Nam sẵn sàng hoà nhập với thế giới trong lĩnh vực hợp tác an ninh quốc phòng, đặc biệt sắp tới Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN, cũng như là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Thể hiện mối quan tâm của Việt Nam với các vấn đề quốc tế.
Vấn đề ở Biển Đông, như ông biết, đang căng thẳng trong mấy năm gần đây. EU nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Về vấn đề Biển Đông đã có những căng thẳng gia tăng trong vòng hai năm qua. Chúng tôi coi đây không phải là vấn đề của song phương, cục bộ hay của khu vực mà nó là vấn đề toàn cầu. Tất cả các bên đều có lợi ích trong vấn đề này.
Tự do hàng hải có ý nghĩa rất quan trọng và cần phải được tôn trọng. Chẳng hạn, 40% giao thương quốc tế đi qua eo biển Malacca. Chỉ cần một sự gián đoạn do xung đột nào đó xảy ra sẽ làm ảnh hưởng đến thương mại, kinh tế, tăng trưởng toàn cầu.
Vì vậy, chúng ta cần tuân thủ chặt chẽ các quy tắc quốc tế. Chúng tôi luôn luôn theo đuổi sự tuân thủ nghiêm ngặt cũng như có những lập trường quan điểm rõ ràng về tuân thủ và tôn trọng những quy định của UNCLOS. Đó là cơ sở cơ bản cho tất cả các bên cần phải cam kết tuân thủ.
Chúng tôi ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam trong việc xử lí các vấn đề dựa trên luật lệ quốc tế.
Hợp tác an ninh quốc phòng giữa EU và Việt Nam (FPA) là nền tảng, tạo cơ hội để thảo luận các vấn đề an ninh giữa hai bên. Tuy nhiên, Hiệp định FPA này không có sự tác động trực tiếp đến Biển Đông nhưng nó lại là cơ hội để Việt Nam thảo luận được với chúng tôi về các mối quan ngại của Việt Nam liên quan đến an ninh tại khu vực này.
Tất nhiên hiện nay Hiệp định hợp tác an ninh quốc phòng giữa EU và Việt Nam cũng chưa thể nào lường trước được điều gì có thể xảy ra ở Biển Đông để có những quy định cụ thể nhưng đây là cơ hội để bắt đầu diễn đàn, cơ chế để thảo luận cho Việt Nam. Từ đó tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu trong thảo luận về các vấn đề an ninh và quốc phòng.
Theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết cho người lao động thành lập các tổ chức đại diện. Ông nhìn nhận thế nào về các cam kết của Việt Nam từ việc xây dựng luật pháp đến thực thi? EU có thấy rằng đây là vấn đề mà Việt Nam cần tập trung cải thiện hay không?
Trong Hiệp định EVFTA có nêu nội dung liên quan đến tiêu chuẩn người lao động, chúng tôi muốn nhắc tới các công ước cơ bản của ILO. Việt Nam đã thông qua công ước số 98. Hiện nay, còn hai công ước cơ bản còn lại là 105 và 87 cần Việt Nam xem xét phê chuẩn.
Việt Nam sẽ phê chuẩn công ước 105 liên quan đến lao động cưỡng bức vào năm 2020. Công ước 87 về quyền tự do lập hội và tự do liên kết vào năm 2023.
Nếu Việt Nam thông qua những công ước đó sẽ là cải cách rất quan trọng. Điều đó thể hiện Việt Nam mong muốn thực hiện cam kết để cải thiện tình hình và thực thi FTA.
Hiện nay Việt Nam đang thảo luận nội dung sửa đổi Bộ luật Lao động tại Quốc hội. Hai nội dung này liên quan đến quá trình sửa đổi. Việc thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cũng là tín hiệu quan trọng Việt Nam gửi đi với mong muốn cam kết thay đổi.
Chúng tôi hi vọng cuối tháng 11, Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi này.
Các ưu tiên ông muốn thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và EU trong nhiệm kì của mình là gì? Ông quan tâm cũng như quan ngại những nội dung gì trong quan hệ giữa hai bên? Các bước thực hiện phê chuẩn EVFTA sau này?
Khi nhận nhiệm kì mới, một người đại sứ xác định các ưu tiên trong nhiệm kì của mình cũng như khả năng tạo ra những thay đổi đối với cuộc sống người dân tại đất nước đó. Tôi xác định Việt Nam có những vấn đề then chốt cần phải xử lí cũng như hỗ trợ cho chính phủ Việt Nam.
Thứ nhất, ưu tiên trong vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Vấn đề này không chỉ then chốt với Việt Nam, EU mà còn cả toàn cầu. EU đánh giá cao Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. EU hoàn toàn có thể trở thành đối tác rất quan trọng của Việt Nam về vấn đề này.
Trong bảo vệ môi trường cần tập trung vào ứng phó biến đổi khí hậu. Có những cách thức khác nhau để làm. EU muốn hướng tới những cách thức khác biệt, có hiệu quả và tập trung vào những lĩnh vực cụ thể. Một trong những khái niệm mang tính then chốt là phát triển bền vững. Tăng trưởng kinh tế phải song hành với phát triển bền vững. Ở Việt Nam có được sự tăng trưởng tốt nhưng cần quản lí tốt để không bị mất cân bằng.
EU cũng đang hỗ trợ Việt Nam vấn đề năng lượng. Chúng tôi đã đầu tư nhiều dưới dạng viện trợ cho Việt Nam như năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm các nguồn năng lượng hoá thạch, tăng cường sự bền vững trong lĩnh vực này.
Giai đoạn đầu chúng tôi tập trung vào điện khí hoá nông thôn. EU đã tìm những khu vực xa xôi hẻo lánh ở Việt Nam chưa được cấp điện để tập trung hỗ trợ. Hiện nay tỉ lệ điện khí hoá cho tất cả các hộ gia đình ở Việt Nam là 99%. Đây là con số ấn tượng. EU chúc mừng Việt Nam đạt được thành công này. Giai đoạn tới sẽ tập trung vào hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo.
Chúng tôi vận động bầu cử vào đầu tháng 12. Đó là thời điểm bầu ra Uỷ ban Châu Âu mới. Họ sẽ đặt ra những ưu tiên quan trọng trong đó có chống biến đổi khí hậu. EU, Châu Âu muốn là lục địa trung hoà về cacbon vào năm 2050. Đó là lí do EU muốn trở thành đối tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Thứ hai, ưu tiên phát triển nền kinh tế số cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà Việt Nam đang theo đuổi. Chúng tôi đánh giá cao những thành quả Việt Nam đã đạt được trong việc cải thiện tình hình kinh tế của mình với những con số như tăng trưởng GDP. Việt Nam đạt ngưỡng thu nhập trung bình nhưng đang đối mặt với rủi ro chưa thoát được mức thu nhập trung bình.
EU có những kĩ năng về công nghệ, kinh nghiệm hỗ trợ cho Việt Nam, giúp Việt Nam cải thiện nhằm phát triển công nghệ, mang lại những giá trị cho xã hội.
Chính phủ Việt Nam có những mục tiêu tích cực, xác định tầm nhìn cho tương lai. EU có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế số để hỗ trợ Việt Nam.
Một nội dung nữa mà EU muốn nâng cao năng lực cho Việt Nam là quản trị công.
Các bước tiếp theo trong Hiệp định EVFTA, đoàn Uỷ ban thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu vừa mới hoàn thành tại Việt Nam. Sau đó họ sẽ đưa kết quả về và thảo luận, bỏ phiếu tại Uỷ ban vào tháng 1/2020, tại Nghị viện Châu Âu vào tháng 2/2020. Chúng tôi hi vọng kết quả cuối cùng sẽ là tích cực.
Đối với phía Việt Nam, các phiên thảo luận cũng được diễn ra tại Quốc hội Việt Nam. Nhưng để có quyết định cuối cùng thì chúng tôi không nghĩ có ngay tại kì họp Quốc hội này, có thể sẽ đến kì họp Quốc hội tháng 5/2020 mới có kết quả.
Chúng ta kì vọng mùa xuân năm tới, việc phê chuẩn của cả hai phía Việt Nam và EU sẽ hoàn thành.
Phía Nghị viện Châu Âu có những quan ngại, lo lắng nhất định về tình hình trong các vấn đề cụ thể tại Việt Nam. Đó là lí do vì sao vừa có đoàn công tác của Nghị viện Châu Âu đến Việt Nam để tìm hiểu thông tin cụ thể hơn để trước khi đưa ra quyết định.
Hi vọng mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ cho cả hai phía trong Hiệp định này.
Một phái đoàn của EU đang ở Việt Nam để tiếp tục tìm hiểu, đánh giá về nạn đánh bắt cá, lĩnh vực mà Việt Nam đã bị nhận ‘thẻ vàng’. Ông có thể tiết lộ thông tin xung quanh việc này?
Đây là vấn đề hệ trọng. Hậu quả của nó là chặn việc xuất khẩu thuỷ sản bị đánh bắt trái phép hoặc quá mức cần thiết. Việc xuất khẩu sang EU có thể bị chặn và dẫn đến tác động nền kinh tế Việt Nam.
Đây không chỉ là xây dựng luật để xử lí vấn đề mà thực thi nó trên thực địa cũng hết sức quan trọng với Việt Nam. Luật được quy định ở cấp quốc gia nhưng cần được triển khai hiệu quả ở cấp địa phương. Không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác cũng cần coi trọng xử lí vấn đề này.
Việc xử lí vấn đề này là một quá trình lâu dài vì nó là những vấn đề phức tạp.
Lan Anh/vietnamnet.vn