Người Việt Odessa
Tin trong nước

Đại biểu: 'Tây Nguyên không thể trở thành sa mạc'

Thứ bảy, 07/11/2020 | 02:33
Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp chia sẻ xúc động khi lãnh đạo Chính phủ khẳng định "Tây nguyên không thể trở thành sa mạc mà phải phủ rừng xanh bạt ngàn".

Trong phiên chất vấn của Quốc hội chiều 6/11, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp - Trưởng Công an thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đã nhắc lại phát biểu nêu trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Bà Ksor H’Bơ Khăp ủng hộ quan điểm của Chính phủ là "xem xét vấn đề phát triển thủy điện nhỏ để hạn chế phá rừng", và thẳng thắn đề nghị cần "chỉ mặt, điểm tên cá nhân, tổ chức" phá rừng thông qua các dự án "đúng quy trình".

Nữ đại biểu cũng nhắc lại ý kiến của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, cho rằng "thủy điện nhỏ không có lỗi trong vụ bão lũ, sạt lở miền Trung những ngày qua mà là do trời mưa, địa chất bị đứt gẫy".

"Thời gian tới, Bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không? Theo Bộ trưởng, ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam", bà Ksor H’Bơ Khăp nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, ông không nói "thủy điện là nguyên nhân hay không phải là nguyên nhân gây ra bão lũ, sạt lở miền Trung những ngày vừa qua".

Theo ông, con người là nguyên nhân khi quyết định công trình thủy điện thân thiện với môi trường hay không. Như nhiều quốc gia văn minh khác, ví dụ Na Uy có rất nhiều thủy điện, nhưng họ dựa trên thế năng tự nhiên, "còn nếu chúng ta tận dụng mọi cơ hội để khai thác thủy điện và chấp nhận phá rừng để làm thủy điện thì khi đó nguyên nhân do con người".

"Đại biểu nói với tôi rằng rừng quan trọng như thế nào? Tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn cả trời, bởi vì tôi thở không khí từ việc lọc khí CO2 và thải ra khí O2 của rừng. Rừng là nơi cung cấp 70% các tài nguyên", ông Hà nói.

Lãnh đạo ngành tài nguyên cũng cho rằng, mất rừng không có nghĩa là nghĩ đến thủy điện. Mất rừng còn do con người có tư duy sai trái, trong nhà dùng toàn đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã... Thủy điện không phải nguyên nhân chính gây ra mất rừng. Nguyên nhân chính là người ta đã thay thế rừng tự nhiên bằng những cánh rừng sản xuất bình thường. Khi không phù hợp với hệ sinh thái đó thì hệ sinh thái rừng nông nghiệp, lâm nghiệp đó cũng không có giá trị.

"Với tư cách là người làm quản lý môi trường, chúng tôi sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo Quốc hội xem xét, rà soát từng mét vuông đất nếu có việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đặc dụng", ông Hà cam kết.

Sắp tới, những nơi nào không còn rừng nhưng chức năng của nơi đó là phòng hộ và bảo vệ con người thì cơ quan chức năng sẽ thu hồi, phục hồi rừng nguyên sinh đúng với bản chất tự nhiên.

Giơ bảng sử dụng quyền tranh luận sau đó, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp nói: "Tôi rất cảm ơn vì Bộ trưởng đã khẳng định rằng cây rừng tự nhiên là vấn đề cốt lõi của mọi vấn đề trong bảo vệ môi trường".

Liên quan đến việc sạt lở vừa qua ở Miền Trung, nữ đại biểu cho rằng "không tự nhiên mà trời mưa, không tự nhiên mà địa chất đứt gãy".

Theo bà, cây rừng tự nhiên đã mất đi, không có sự cải tạo đất nên gây ra vấn đề môi trường, và ở đây có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. "Bộ trưởng thấy trách nhiệm như thế nào trong việc bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam", nữ đại biểu tiếp tục nêu câu hỏi.

Sau phần tranh luận này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi kỹ lại để đại biểu nắm rõ thông tin, dành thời gian ở Quốc hội cho các đại biểu chất vấn những vấn đề khác.

Cuối phiên chất vấn, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, năm 1945, rừng ở Việt Nam chiếm khoảng 43% thì đến năm 1995 chỉ còn 28%. Tuy nhiên, hiện nay độ che phủ rừng của Việt Nam đã đạt trên 41% và đứng thứ 50/193 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, chất lượng rừng ở Việt Nam còn thấp do thời gian dài rừng tự nhiên bị phá để phát triển kinh tế, chất lượng rừng trồng mới không cao. Tình trạng phá rừng để làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp, phát triển kinh tế vẫn chưa được ngăn chặn triệt để; tình trạng phá rừng, lấy gỗ, xây nhà... chưa được kiểm soát.

"Việc này ảnh hưởng đến bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là một yếu tố gây sạt lở đất khi có mưa lũ", ông Dũng nói và đề cập đến các nguyên nhân khác như đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, điện lực, nhà ở...

Phó thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến phòng, chống thiên tai; đặc biệt tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai; rà soát lại các kịch bản biến đổi khí hậu để từ đó làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó.

Đại biểu: 'Tây Nguyên không thể trở thành sa mạc'

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại nghị trường. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

"Các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm với tỷ lệ thích hợp sẽ được xây dựng", ông Dũng nói và cho biết, trên cơ sở bản đồ, cơ quan chức năng sẽ quy hoạch, bố trí lại dân cư và đầu tư để đảm bảo an toàn cho người dân; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời sơ tán trước khi có sạt lở đất, lũ quét.

"Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về nhu cầu chi ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai. Yêu cầu kinh phí là rất lớn", ông Dũng cho hay.

Theo VNexpress


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN