ĐBQH Nguyễn Anh Trí trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 26-10 về văn hóa từ chức - Ảnh: Văn Duẩn
Sáng 26-10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (QH), đại biểu (ĐB) QH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá quy định cán bộ, đảng viên chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ, là "rất hay, rất tuyệt vời".
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Anh Trí lưu ý rằng cần bình tĩnh nhìn lại xem chuyện từ chức ở Việt Nam như thế nào. "Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã đề cập đến văn hóa từ chức rất lâu rồi, có lúc rộ lên, nhưng không ai quan tâm cả; chưa thực hiện được vì đặc điểm của người Việt Nam là duy tình hơn duy lý. Điều này ai cũng thừa nhận"- vị ĐB của Hà Nội nói.
Theo vị ĐB là GS-TS, nguyên viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, khi có quyền lực, thì quyền lực rất dễ bị tha hóa. Khi tha thóa sẽ mang lại rất nhiều quyền lợi (không chính đáng). Chính vì thế, khi đã có thì không dễ gì mà họ từ chức, không thể nào tự nhiên có được văn hóa từ chức.
"Vì vậy, cần có Luật Từ chức. Dựa trên luật này, người ta phải buộc từ chức. Rồi sau thấm dần, lúc đó mới có văn hóa từ chức" - vị ĐB Hà Nội nói.
ĐB Nguyễn Anh Trí cho rằng từ trước đến giờ, chúng ta hay chú ý đến khía cạnh có sai sót thì mới phải từ chức. Trong dư luận, xã hội, gia đình, việc từ chức là một dạng của cách chức. "Đó là một quan niệm sai nhưng không dễ gì sửa được".
"Trong khi từ chức có rất nhiều lý do như làm sai, kém năng lực, không được tín nhiệm, sức khỏe yếu… điều này là rất lịch sự".
Theo ông Nguyễn Anh Trí, năm 1993, tại Nhật Bản có 3 thủ tướng từ chức. Nhiều vị thủ tướng nhậm chức trong 3 tháng thấy không làm được thì từ chức. Người đó vẫn tiếp tục hoạt động chính trị chứ không phải là từ chức là cách chức, là mất luôn.
Từ chức vẫn bảo tồn cho họ các giá trị và để khi có cơ hội, người ta có thể xuất hiện trở lại trên chính trường. "Vì thế, chúng ta nên xem việc từ chức trên bình diện nhiều khía cạnh. Lúc đó, việc từ chức sẽ nhẹ nhàng, văn hóa từ chức sẽ ra đời. Tôi đề nghị nên xây dựng Luật Từ chức" - ĐB Nguyễn Anh Trí nêu.
* Ngày 25-10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Tại khoản 8 Điều 2 của quy định nêu: "Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm; chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ".
Văn Duẩn - tintuc.net