Người Việt Odessa
Tin trong nước

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng: Thu phí chia tay là để bảo vệ công dân và cán bộ tươi cười!

Thứ năm, 13/06/2019 | 03:58
Trả lời báo chí, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng giải thích việc ông đề xuất thu "phí chia tay" 3 đến 5 USD là nhằm có thêm nguồn lực để cơ quan chức năng ở nước ngoài bảo vệ công dân Việt Nam được tốt hơn và hỗ trợ thêm để cán bộ xuất nhập cảnh ân cần, tươi cười, phục vụ tốt hơn người dân khi xuất cảnh.

Sáng nay 13-6, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đã có giải thích rõ hơn về đề xuất thu phí chia tay khi công dân Việt Nam ra nước ngoài, với số tiền từ 3 đến 5 USD.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng: Thu phí chia tay là để bảo vệ công dân và cán bộ tươi cười!

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng trả lời báo chí

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho rằng đề xuất của ông muốn được đưa vào luật hóa trong Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

"Mong muốn chính của tôi là đưa phí chia tay vào luật nhằm làm rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của công dân và của cơ quan chức năng ở nước ngoài trong bảo vệ công dân Việt Nam khi ở nước ngoài. Thu phí sẽ có thêm nguồn kinh phí thì sự bảo hộ, hỗ trợ, giúp đỡ công dân sẽ tốt hơn và đây là việc cần thiết" - đại biểu Nguyễn Quốc Hưng phân trần.

Làm rõ thêm, ông Nguyễn Quốc Hưng cho biết khi làm các thủ tục ở chỗ cửa khẩu xuất nhập cảnh thì nhà nước cũng cần phải có những sự hỗ trợ, khoa học công nghệ cũng như các thủ tục để công dân xuất nhập cảnh được thuận lợi nhất, văn minh, lịch sử, đặc biệt là thủ tục nhanh gọn, thuận tiện.

Hiện nay ở nhiều nước cũng huy động nguồn lực xã hội hoá để cho vấn đề quảng bá, xúc tiến, giới thiệu một đất nước văn hoá con người nước họ ra nước ngoài và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong khi nguồn lực của Việt Nam mình rất hạn chế, hiện nay một năm nhà nước chỉ dành khoảng 2 triệu USD để cho chương trình, cho quỹ xúc tiến du lịch quốc gia. Một số nước cũng đã triển khai, đã làm là khi đóng 1 khoản phí, đóng góp của công dân cho một quỹ, quan trọng nhất để giúp cho vấn đề bảo hộ, đảm bảo quyền lợi của công dân khi ở nước ngoài.

Theo ông Hưng, hiện nay công dân Việt Nam khi ra nước ngoài có rất nhiều trường hợp vì lý do này lý do khác, hoặc bị ảnh hưởng và không nằm trong phạm vi bảo hiểm xã hội thì cơ quan ngoại giao và đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì cũng không có nguồn lực để hỗ trợ, rất nhiều trường hợp.

Ví dụ ngư dân đánh bắt hải sản bị nước ngoài bắt giữ, làm sao thương lượng để đưa công dân về nước, hoặc những trường hợp công dân mình vì lý do này lý do khác như vi phạm an ninh trật tự... ở nước ngoài cũng cần có sự bảo trợ.

"Tôi cũng mong muốn ở cơ quan xuất nhập cảnh cần cải thiện tốt hơn những kỹ thuật cũng như sự ân cần và tinh thần thái độ phục vụ của các cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh. Nhất là cung cấp trang thiết bị hiện đại hơn để việc xuất nhập cảnh của công dân mình được thuận tiện hơn, không để công dân xếp hàng, chờ đợi máy móc nó chạy, mỗi người đứng ra 3-4 phút ở chỗ xuất nhập cảnh, có trường hợp thế. Rất phiền toái"- ông Hưng nói. 

 

 Cũng theo ông Hưng, khi công dân xuất nhập cảnh, cán bộ chiến sĩ cũng nên có ân cần, một nụ cười để cho nhiều khi công dân xuất cảnh rất căng thẳng vì lý do kỹ thuật, vì lý do an ninh cho nên không được thuận tiện lắm...

"Thực ra đây là một khoản theo tôi nghĩ không nhiều, rất không nhiều. Một bữa ăn sáng thôi, chúng ta gọi là đóng góp chung tay, chung sức xây dựng, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người văn hóa Việt Nam được tốt hơn và để cho giữ gìn môi trường du lịch, văn hóa của Việt Nam thuận lợi hơn rất nhiều" - ông Hưng trải lòng.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, đề xuất của ông mới dừng ở ý tưởng như thế còn quy định cụ thể, cách thức như thế nào thì cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu làm sao cho thuận tiện nhất.

Trả lời về câu hỏi "nếu muốn thu phí thì nhà nước phải cung cấp dịch vụ nếu không khoản thu này sẽ là thuế chia tay chứ không phải phí chia tay và phải trả tiền thì cán bộ xuất nhập cảnh mới tươi cười với người dân?", đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho biết: "Ý tôi muốn nói là để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân khi xuất nhập cảnh. Còn việc kia không liên quan tới việc thu phí. Mà mong muốn điều kiện làm việc, môi trường xuất nhập cảnh thuận lợi hơn".

 

Trước đó, chiều 12-3, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Đề cập đến nghĩa vụ của công dân ra nước ngoài, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng nhấn mạnh phải dứt khoát, nói rõ trong luật là tuân thủ luật pháp nước sở tại, quy định của nhà nước Việt Nam, giữ gìn hình ảnh, bản sắc văn hoá của Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng đưa ra đề xuất mong muốn Quốc hội và cơ quan soạn thảo xem xét.

Ông cho hay, có một số nước áp dụng chính sách visa và phí xuất nhập cảnh để điều chỉnh việc xuất nhập cảnh của công dân, có nước không khuyến khích công dân xuất cảnh thì họ áp dụng thuế, phí này.

Ông dẫn ví dụ, năm 2018, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành đạo luật thuế xuất cảnh có hiệu lực từ 7-1-2019. Theo đó, mỗi công dân Nhật Bản ra nước ngoài thì phải đóng 1 loại phí (gọi là phí chia tay), mỗi phí này là 1.000 yên/người (khoảng 9,3 USD).

"Phí này để sử dụng, thực hiện một số dự án nhằm phát triển ngành công nghiệp không khói của Nhật Bản, cũng như chính phủ Nhật Bản dự kiến hàng năm sẽ thu khoảng 400 triệu USD để hoàn thiện việc xuất nhập cảnh của công dân được tốt hơn..."- ông Hưng nói.

Ông Hưng cho rằng Việt Nam nên làm theo một số nước, khi công dân ra nước ngoài thì có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền, gọi là phí chia tay, khoảng 3-5 USD/người khi xuất cảnh.

Số tiền này sẽ được trích một phần cho các cơ quan ngoại giao dùng để có kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ khi công dân ra nước ngoài gặp khó khăn.

Một phần để cho xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư, nâng cấp máy móc kỹ thuật cũng như các việc khác để đảm bảo cho việc công dân xuất cảnh được tốt hơn, chu đáo hơn, thân thiện hơn, các chiến sĩ khi công dân xuất cảnh thì tươi cười vui vẻ, ân cần hơn đối với công dân.

Ngoài ra, dành một phần cho quỹ xúc tiến phát triển du lịch để đẩy mạnh du lịch nước nhà.

nld.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN