Người Việt Odessa
Tin trong nước

Đại biểu đề nghị có cơ chế 'giữ chân' bác sĩ giỏi ở bệnh viện công

Thứ sáu, 04/10/2019 | 04:32
Nhiều bệnh viện được giao quyền tự chủ nhưng không có quyền tuyển dụng, không được phép trả lương cao khiến ngày càng nhiều bác sĩ giỏi bỏ ra làm cho các bệnh viện tư.

Sáng 3/10, Uỷ ban về các vấn đề Xã hội tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (phó đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Thuận) cho rằng đây là chủ trương đúng, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường làm chênh lệch lớn thu nhập giữa bác sĩ bệnh viện công và tư. Điều này khiến một bộ phận bác sĩ xin nghỉ việc ở bệnh viện công để ra làm bên ngoài.

"Đề nghị Bộ Nội vụ cho biết sắp tới Bộ có chính sách gì để giữ chân đội ngũ y bác sĩ giỏi ở lại bệnh viện công lập?", bà Phúc chất vấn. 

Chung ý kiến, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (phó đoàn Đại biểu Quốc hội Cần Thơ) nêu thực trạng Cần Thơ có 13 bệnh viện tự chủ, trong đó 2 đơn vị trung ương, 11 địa phương. Tồn tại lớn nhất trong quá trình thực hiện ngoài giá trần dịch vụ là vấn đề nhân sự. "Giao quyền tự chủ nhưng các bệnh viện không được tự quyết, mọi chuyện đều phải xin ý kiến", ông Xuân nói.

 

Đại biểu đề nghị có cơ chế 'giữ chân' bác sĩ giỏi ở bệnh viện công

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Bình Thuận. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận tình trạng do vướng nhiều quy định, có bác sĩ giỏi nhưng không được bổ nhiệm vị trí cao hơn, dẫn đến chán nản, chuyển sang làm tư nhân. Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội) cũng cho hay, việc giảm biên chế, tự chủ tài chính khiến nhân viên y tế không còn trong biên chế nhà nước mà do bệnh viện mà tự trả lương. Mặc dù vậy, theo luật hiện hành, bệnh viện không thể bổ nhiệm cán bộ nếu đó không phải là công chức, viên chức. "Giải pháp các Bộ đưa ra để giải quyết là gì?", ông đặt câu hỏi.

Bà Tiến cho hay, Bộ Y tế đã phân cấp, giao cho đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư được quyết định đề án vị trí việc làm, quyết định số lượng người làm việc, tuyển dụng. Tuy nhiên, một số nơi, Ủy ban nhân dân hoặc Sở Y tế vẫn là nơi quyết định việc bổ nhiệm các chức danh trưởng, phó khoa, phòng của bệnh viện. "Chúng tôi mong muốn các địa phương hãy để bệnh viện tự chủ hoàn toàn được quyền tuyển chọn, bổ nhiệm nhân sự", bà Tiến nói.

Ngoài ra, việc bác sĩ ra ngoài làm vì lương cao hơn là thực trạng đáng buồn mà ngành y tế phải chấp nhận. Nguyên nhân chính là chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ y tế, nhất là người có chuyên môn, tay nghề cao làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế ở vùng khó khăn chưa tốt. Nhiều người được đào tạo nhưng do thu nhập chủ yếu chỉ có tiền lương, thu nhập tăng thêm thấp hoặc không có dẫn đến có tình trạng chuyển dịch cán bộ y tế về các đô thị, thành phố lớn, bệnh viện tư...

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Bộ sắp trình Chính phủ quy định đãi ngộ, trọng dụng nhân tài. Khi đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp các bộ ngành quy định các đơn vị tự chủ được phép trả lương trên cơ sở hiệu quả công việc, đồng thời có đãi ngộ tốt để giữ chân cán bộ y tế.


"Khi Viện Huyết học Truyền máu trung ương tách khỏi bệnh viện Bạch Mai chỉ có 86 người đi cùng tôi, lúc tôi về hưu tổng số y bác sĩ là gần 1.000 người. Tôi xin cơ chế tự chủ, không lấy tiền lương từ Bộ Y tế", ông nói và đề nghị Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương không "nhăm nhăm tinh giản cán bộ y tế" vì công việc nhiều, bệnh nhân ngày càng đông.Việc tinh giản biên chế nhân lực ngành y cũng là bức xúc một số đại biểu yêu cầu giải trình. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) không đồng tình việc tinh giản biên chế nhân viên y tế ở một số địa phương. Theo ông, giảm biên chế 10% là giảm số người ăn lương nhà nước, còn người làm việc phải tăng. 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nêu thực trạng các đơn vị thuộc nhóm 3 - tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, nhiều đơn vị đã bảo đảm 80-90%, ngân sách nhà nước cấp chỉ 10-20%, tức là ngân sách không chi tiền lương cho toàn bộ số lượng người làm việc của đơn vị. 

Tuy nhiên nhiều địa phương coi toàn bộ số lượng người làm việc tại các đơn vị này là số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên yêu cầu các đơn vị phải giảm số lượng người làm việc theo Nghị quyết số 19 (cứ 5 năm giảm 10%) là chưa phù hợp. Điều này dẫn đến nhiều bệnh viện, trung tâm y tế có nhu cầu tăng thêm số lượng người làm việc để phát triển dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, có nguồn thu để trả lương mà vẫn không được tuyển dụng thêm.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nói, Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ quy định những nơi có áp lực y tế lớn có thể tăng nhân sự. 

Chủ toạ phiên giải trình, Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai cũng đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa lưu ý, theo quy định, tinh giản biên chế 10% nhưng trừ các đơn vị đã tự chủ tài chính.

vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN