Chiều 9/5, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cùng các đại biểu Quốc hội tổ 7 đã tiếp xúc cử tri quận 2 trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV.
Theo chương trình dự kiến, hội nghị tiếp xúc cử tri sẽ kéo dài từ 14h đến 16h30 song có gần 50 cử tri đăng ký phát biểu. Không khí buổi tiếp xúc khá “nóng”, khi nhiều cử tri đến sớm căng bản đồ Thủ Thiêm tại hội trường.
Tại đây, nhiều ý kiến cử tri phản ánh việc chính sách đền bù giải toả người dân bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã hơn 10 năm nhưng chưa dứt điểm. Đáng chú ý, nhiều cử tri bức xúc vì không nằm trong ranh dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng vẫn bị cưỡng chế thu hồi đất.
Cử tri Lê Thị Bạch Tuyết cho rằng quyết định điều chỉnh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm thay thế cho quyết định 367 năm 1996 không có giá trị. Bà đề nghị Trung ương và TPHCM xem xét lại những quyết định sau này của thành phố để giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân không thuộc phạm vi trong ranh giới dự án.
Theo bà Tuyết, thành phố đền bù giải toả cho người dân với giá thấp nhưng sau này các công ty địa ốc bán lại nhà trong khu đô thị mới Thủ Thiêm lên tới hàng trăm triệu đồng m2 là quá thiệt thòi với người dân.
Trong khi đó, cử tri Lê Thị Hồng Vân (phường Bình Khánh) cho biết hơn 10 năm đi khiếu kiện nhưng không có kết quả gì. Bà mong thành phố giải quyết sớm để được sửa chữa lại nhà cửa, ổn định cuộc sống vì nhà bà không nằm trong dự án mà vẫn bị thu hồi đất.
Cùng hoàn cảnh, cử tri Lê Thị Ngọc Nga (phường Bình Khánh) cho biết sau khi bị cưỡng chế nhà, áp giá bồi thường thì bà cùng theo chân nhiều người đi khiếu kiện suốt 10 năm.
“Vừa rồi chúng tôi nghe tin bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm bị mất. Nhưng tôi gọi đó là thủ tiêu. Nay có người công bố bản đồ Thủ Thiêm, chúng tôi đề nghị trưng bày bản đồ để người dân được biết”, bà Nga nói.
Một trong những vấn đề bức xúc của người dân là giá cả bồi thường quá thấp. Cử tri Nguyễn Ngọc Thanh có nhà rộng hơn 100m2 trên đường Lương Định Của. Nhà bà nằm ngoài khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng bị cưỡng chế tháo dỡ.
“Nhà tôi được giải quyết 94 triệu đồng và được cho mua nhà tái định cư nhưng phải đóng thêm hơn 800 triệu đồng”, bà Thanh bức xúc.
Còn cử tri Nguyễn Thị Bạch Tuyết cho biết nhà có hơn 3.700 m2 đất nhưng giá đền bù 150.000 đồng/m2. Người dân không đủ tiền để ổn định cuộc sống, tổ chức lại hoạt động sản xuất.
Trong khi đó, cử tri Đặng Thị Bích Ngọc đề nghị làm rõ tính pháp lý của các quyết định điều chỉnh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm sau này của UBND TPHCM, vì nhiều nhà nằm ngoài quy hoạch vẫn bị thu hồi đất.
“Vì sao người dân ngoài quy hoạch lại bị giải toả trắng? Thành phố không thể điều chỉnh ranh dự án. Những thay đổi của dự án có được dự đồng ý của Thủ tướng hay không?”, bà Ngọc đặt nhiều câu hỏi.
Rất nhiều người dân cho rằng nhà họ không ở trong địa phận quy hoạch Thủ Thiêm, sau này thành phố tự ý thêm vào.
Tại hội nghị, nhiều cử tri bày tỏ bức xúc vì họ không nhận được quyết định thu hồi đất nhưng bị cưỡng chế, giải tỏa. Có trường hợp ngày hôm trước nhận quyết định cưỡng chế thì hôm sau bị đập nhà.
Quan tâm đến việc bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị thất lạc, cử tri Nguyễn Thị Tám cho biết chính quyền cưỡng chế, đập nhà của người dân xong rồi nói không có bản đồ thì khác nào là quy hoạch “lậu”. Bà Tám cho biết mới đi Hà Nội 2 tháng để khiếu nại lên các cơ quan Trung ương để đòi lại quyền lợi và đề nghị đại biểu Quốc hội dành thời gian lắng nghe ý kiến của người dân quận 2.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết tổ đại biểu Quốc hội sẵn sàng dành thời gian lắng nghe tâm tư, bức xúc của người dân. Nếu sau hội nghị, người dân bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm còn ý kiến thì tổ đại biểu sẽ ngồi lại tiếp thu.
Đến 17h30, tổ đại biểu Quốc hội vẫn tiếp tục lắng nghe ý kiến của cử tri quận 2...
dantri.com.vn