Có cần thiết phải đổi biển xe màu vàng cho xe kinh doanh vận tải hay không?
Thông tin khiến nhiều lái xe quan tâm thời gian qua là việc cấp, đổi biển số cho loại hình xe kinh doanh vận tải. Theo đó, thay vì biển số màu trắng như trước đây, ô tô kinh doanh vận tải sẽ có biển số với nền màu vàng, chữ và số màu đen, seri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z.
Quy định này có hiệu lực ngay với các xe đăng ký mới để hoạt động vận tải như xe khách, xe tải, taxi truyền thống, xe hợp đồng, công nghệ từ 1/8. Với các xe đã cấp biển trắng và đang hoạt động sẽ buộc phải chuyển sang biển vàng, hạn cuối vào ngày 31/12/2021.
Dự kiến có khoảng 1,6 triệu xe tải, xe công nghệ, taxi truyền thống, xe khách kinh doanh vận tải buộc phải chuyển sang biển số màu vàng, chữ và số màu đen.
Trao đổi với phóng viên VTV Digital về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên - chuyên gia giao thông đánh giá việc cấp, đổi biển số sang màu vàng chưa thật sự cần thiết.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho biết: "Tôi ủng hộ các cơ quan nhà nước có giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông. Những sáng kiến nào đưa ra được mà phù hợp với việc nâng cao chất lượng vận tải, an toàn giao thông thì chúng tôi ủng hộ. Riêng việc đổi biển xe không kinh doanh từ màu trắng sang xe kinh doanh màu vàng thì chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, trong đó chúng tôi đã tham khảo ý kiến các chuyên gia giao thông vận tải, những người đã từng làm quản lý trong lĩnh vực giao thông vận tải".
Ông Bùi Danh Liên - chuyên gia giao thông
"Chủ trương này có một mục đích là để quản lý an toàn giao thông và phân biệt được xe kinh doanh và không kinh doanh. Nhưng theo cá nhân tôi, điều đó chưa cần thiết. Bởi vì chúng ta hiện nay đang quản lý nhà nước và quản lý các phương tiện giao thông bằng công nghệ 4.0, không cần phải dùng mắt thường để đi xem xe kinh doanh hay không kinh doanh" – ông Bùi Danh Liên chia sẻ.
Ông Liên phân tích, một chiếc xe ô tô muốn kinh doanh phải trải qua các thủ tục như ghi mục đích kinh doanh khi kiểm định; phải đăng ký kinh doanh ở các quận, huyện; nộp thuế kinh doanh ở các quận, huyện…
"Có rất nhiều phương tiện đã được cơ quan nhà nước đã ban hành để quản lý xe kinh doanh rồi. Bây giờ chúng ta có cần tăng thêm các giải pháp khác để ‘đè lên đầu’ của người kinh doanh một lần nữa không? Có thể có lợi về mặt quản lý nhưng nếu có tiêu cực trong đó thì chủ trương cũng không có hiệu quả. Cho nên chúng tôi đề nghị các cơ quan nhà nước xem xét lại chủ trương. Nếu chủ trương đó mang lại lợi ích cho nhân dân thì nên làm và làm ngay. Chủ trương nào mà còn phải hướng tới thì cần phải cân nhắc rất cụ thể" – chuyên gia giao thông nhận định.
Làm gấp việc đổi biển xe có thể gây tốn kém cho xã hội?
Liên quan đến hiệu quả của chủ trương cấp đổi biển xe vàng, ông Bùi Danh Liên cho rằng việc cấp đổi biển xe kinh doanh vận tải có thể gây lãng phí với nhiều thủ tục mà chưa rõ có thể giải quyết định tình trạng xe dù bến cóc, xe trốn thuế: "Thay đổi hơn 1 triệu biển số xe liệu sẽ giải quyết được vấn đề gì? Có bắt được xe kinh doanh, không kinh doanh trốn lậu thuế không? Việc cần làm hiện nay là dẹp xe dù, bến cóc xe đã phá vỡ tuyến cố định. Còn các xe kinh doanh nếu vào bến thì tất cả đều có biển ghi rõ là xe xuất bến từ đâu, đến đâu, giá cước. Vậy có vấn đề gì phải nhận dạng xe đó? Đối tượng cần nhận dạng là các xe 4 chỗ, xe dù, lợi dụng công nghệ đặt xe tranh giành khách với taxi truyền thống".
"Ngành công an nên tập trung vào các phương tiện và các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, như chống xe dù, bến cóc, bến bãi trái pháp luật. Còn việc xe kinh doanh hay không kinh doanh thì cần nhờ đến các cơ quan quản lý kinh doanh như Bộ Tài chính thu thuế, kiểm định xe kinh doanh và Sở Giao thông cấp phép kinh doanh. Cái đó thuộc thẩm quyền cơ quan khác và chưa phải nhu cầu thiết yếu của Bộ Công an" – chuyên gia giao thông nhận định.
Việc cấp đổi biển số xe kinh doanh sang màu vàng có phải cấp thiết? (Ảnh: Vietnamnet)
Ông Liên chia sẻ gần đây ông "nhức đầu" vì nhận cuộc gọi của nhiều người ở Hà Nội và các tỉnh về việc nếu làm kinh doanh thì phải đổi biển vàng nhưng mai kia không kinh doanh nữa thì lại phải đổi biển trở lại: "Điều này gây lãng phí và nhiều thủ tục. Có hàng triệu xe cả nước nên tốn vật tư rất lớn. Trong lúc này chúng ta cần tập trung vào phát triển kinh tế, đầu tư các phương tiện vận tải để lưu thông hàng hóa và phục vụ khách du lịch đi lại".
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho biết, ở nước ngoài, việc thực hiện đổi biển rất chi tiết, từ khâu phát triển ngành vận tải. Còn hiện nay, ý kiến của một số người dân và chuyên gia thấy rằng việc này cần nhưng chưa phải là cần thiết.
"Nên để khi trình độ dân trí phát triển, các tổ chức kinh tế xã hội có những nhận thức đầy đủ về các vấn đề này thì làm, không nên làm gấp. Bây giờ làm gấp là tốn kém của cả xã hội và không được lòng của người dân" - ông Bùi Danh Liên chia sẻ.
vtv.vn